News and Offers
8 ngôi chùa đáng ghé thăm ở Bangkok
Là thủ đô của xứ chùa vàng, vậy nên Bangkok có tới hơn 400 ngôi chùa có lẽ cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên để tham quan hết hàng trăm ngôi chùa như vậy là điều rất khó với khách du lịch. Pegas Viet Nam Travel đã chọn ra 8 ngôi chùa đáng ghé thăm ở Bangkok , cùng tìm hiểu nhé.

Wat Arun (Chùa Bình Minh)
Wat Arun có tên đầy đủ là Wat Arun Ratchawararam, có nghĩa là Chùa Bình minh, còn được người dân địa phương gọi là Wat Chaeng. Chùa được đặt theo tên của Thần Ấn Độ Aruna (Thần Bình minh) tọa lạc uy nghiêm ở phía Thonburi (bờ phía tây) của sông Chao Phraya và được TripAdvisor mô tả là địa điểm tâm linh được du khách chụp ảnh nhiều nhất Bangkok.
Nằm bên dòng sông Chao Phraya thơ mộng, đối diện Cung điện Hoàng gia cũng như Wat Pho, Wat Arun nổi bật với sắc trắng tao nhã và kiến trúc đặc trưng. Wat Arun có năm tòa tháp (prang) với tháp trung tâm cao tới 82m đại diện cho núi Meru, là trung tâm trong vũ trụ Phật giáo. Cả năm tòa tháp đều được khảm bằng những mảnh sứ nhiều màu sắc được cho là mang về từ Trung Quốc.
Tổng thể kiến trúc của Wat Arun được xây dựng theo phong cách Khmer, tuy nhiên ngoài các mảnh trang trí sành sứ thì các yếu tố Trung Hoa tại ngôi chùa cũng khá rõ nét. Đó là các bức tượng hộ pháp Trung Hoa và một vài tòa nhà ở phía mạn sông được mô phỏng theo kiến trúc Trung Hoa.
Wat Arun ban đầu có tên Wat Makok, được xây dựng từ thế kỷ XVII, thời Ayutthaya vẫn còn là thủ đô của Thái Lan. Sau đó khi vua Taksin (1734 -1782) thiết lập kinh đô mới ở Thonburi đã cho phục dựng lại ngôi chùa và đặt tên là Wat Jang. Chùa tiếp tục được mở rộng dưới thời các vua Rama I, II, III, IV và được vua Mongkut (hay Rama IV) đổi thành tên Wat Arun.
Khung cảnh ấn tượng nhất của ngôi chùa có thể được nhìn thấy từ bờ đối diện, khi hoàng hôn buông xuống những ngọn tháp được trang trí đầy màu sắc của Wat Arun được chiếu sáng lấp lánh rạng rỡ trên mặt nước.


Một số thông tin thú vị về Wat Arun:
Trước khi được rước về Wat Phra Kaew tại Cung điện Hoàng gia, tượng Phật Ngọc nổi tiếng cũng từng được đặt tại một trong hai tòa nhà nhỏ nằm ngay phía trước tháp trung tâm của Wat Arun.
Du khách được thoải mái leo lên tầng giữa của tháp trung tâm và từ đây có thể thưởng ngoạn khung cảnh tuyệt đẹp của dòng sông Chao Phraya uốn lượn bên dưới cũng như Cung điện Hoàng gia và Wat Pho ở bờ đối diện của dòng sông.
Trên sân thượng thứ hai có bốn bức tượng của vị thần Indra (vị thần sấm sét trong Hindu giáo) trên đỉnh con voi ba đầu Erawan.
Ở ven sông là sáu trạm dừng được xây dựng theo kiến trúc Trung Quốc, là nơi mà Đoàn thuyền sẽ cập bến trong Lễ rước thuyền Hoàng gia.
Bên cạnh các ngôi chùa là Sảnh đường nơi đặt tượng Phật Niramitr, được cho là do vua Rama II thiết kế. Vua Rama II đã chế tác khuôn mặt của tượng Phật bằng gỗ và sau đó được mạ bằng vàng lá.
Chùa Wat Arun có tháp và đá Kết giới (hay cột mốc ranh giới đánh dấu khu vực linh thiêng trong chùa) đẹp nhất Thái Lan. Viên đá này có thể được nhìn thấy xung quanh Sảnh đường của Wat Arun. Đá kết giới này được chế tác hoàn toàn bằng cẩm thạch.
Trên đỉnh của tòa tháp chính là vương miện của vua Rama III ông tự đặt ở đó.
Có thể nói Wat Arun là chùa của Vua Rama II, vì một ít tro cốt của ông được lưu giữ dưới tượng Phật chính trong Sảnh đường.


Wat Phra Kaew (Chùa Phật Ngọc)
Chùa Phật Ngọc nằm trong khuôn viên của Cung điện Hoàng gia (Grand Palace). Chùa có tên chính thức là Phra Sri Rattana Satsadaram, nhưng người Thái thường gọi nó là Wat Phra Kaew. Được biết khắp Thái Lan có tới 40.000 ngôi chùa Phật giáo, nhưng Wat Phra Kaew được coi là ngôi chùa Phật giáo chính và đóng vai trò tâm linh vô cùng quan trọng với người Thái.
Ngôi chùa nằm ở phía đông bắc của Cung điện Hoàng gia với kiến trúc nổi bật, phần mái có màu cam và xanh rực rỡ, với các chi tiết chạm trổ mạ vàng, bên trong có một bảo tháp vàng có tên Phra Siratana Chedi được vua Rama IV dựng lên vào năm 1855 để chưa xá lợi Phật cao nổi bật, có thể nhìn thấy từ sông Chao Phraya.


Sở dĩ chùa có tên gọi là chùa Phật Ngọc là bởi nó được xây dựng để thờ bức tượng có màu xanh ngọc lục bảo. Bức tượng được tìm thấy vào năm 1434 ở Chiang Rai sau một trận sét đánh. Chính vì hoàn cảnh xuất hiện có phần li kì cùng với nguồn gốc nhuốm màu thần thoại mà bức tượng được cho là có nhiều quyền năng kỳ diệu. Người ta cho rằng bức tượng ngọc thuộc về ai, thì người đó danh chính ngôn thuận có quyền lực chính trị. Chính vì vậy mà các vua Thái Lan rất coi trọng bức tượng. Vua Rama I đã đặt tên cho thủ đô của mình là Rattanakosin (tức Bangkok ngày nay). Và trong tiếng Thái Rattanakosin có nghĩa là "nơi cất giữ Phật Ngọc", Rama I cũng là người cho xây dựng chùa Wat Phra Kaew để thờ bức tượng.
Ngoài tượng Phật Ngọc thì chùa Wat Phra Kaew còn có nhiều bức tượng Phật khác cũng như các bức tượng Yaksha hộ pháp ở các lối vào của chùa. Ngoài ra ngôi chùa còn gây ấn tượng với bức tường bao quanh chùa, trải dài 2km được bao phủ bởi 178 bức tranh tường nhiều màu sắc minh họa sử thi Ramakien (phiên bản Thái Lan của sử thi Ramayana - Ấn Độ).


Wat Pho
Wat Pho hay “Chùa Phật nằm” là một trong những ngôi chùa hấp dẫn nhất Bangkok. Nơi đây được nhiều người ghé thăm do vị trí thuận lợi, nằm ngay phía nam của Cung điện Hoàng gia và bởi bức tượng Phật nằm khổng lồ mà ngôi chùa sở hữu. Ngôi chùa có tên chính thức là Wat Phra Chetuphon Wimonmangkhalaram và là một trong sáu ngôi chùa Hoàng gia hạng nhất ở Thái Lan.
Wat Pho là quần thể chùa cổ nhất và lớn nhất ở Bangkok, nơi đây lưu giữ hơn 1.000 tượng Phật, nhiều hơn bất kỳ ngôi chùa nào khác ở Thái Lan. Hầu hết các bức tượng được mang về từ những ngôi chùa bỏ hoang ở Ayutthaya và Sukhothai theo lệnh của Vua Rama I.
Sau khi xây dựng Bangkok (ở khu vực Ko Rattanakosin) và Cung điện Hoàng gia vào năm 1782, Vua Rama I đã ra lệnh xây dựng Wat Pho. Ngôi chùa được xây dựng tại địa điểm đã từng có một ngôi chùa cổ hơn dưới thời Ayutthaya tên là Wat Photharam ngay bên cạnh Cung điện Hoàng gia. Sau đó, dưới thời trị vì của Vua Rama III, khu phức hợp Wat Pho đã được cải tạo và mở rộng, việc này mất hơn 16 năm để hoàn thành.
Như đã nói ở trên, Wat Pho nổi tiếng với bức tượng Phật nằm mạ vàng khổng lồ. Bức tượng có tên Phra Phuttha Saiyat được xây dựng dưới triều đại của Vua Rama III vào năm 1832, tượng dài 46m, cao 15m. Mặc dù đôi khi bức tượng được cho là mô tả lại hình ảnh Đức Phật nằm hoặc đang ngủ, nhưng sự thực là tượng Phật nằm khắc họa lại hình ảnh Đức Phật nhập Niết bàn sau khi chết.


Một số thông tin thú vị về Wat Pho:
Lòng bàn chân của tượng Phật nằm cao khoảng 3m và dài gần 5m được khảm từ xà cừ, thành 108 ô, thể hiện chi tiết 108 lakshans hay những đặc tính tốt lành của Đức Phật.
Trong một khu vườn nhỏ bên cạnh nơi đặt tượng Phật nằm, cu khách sẽ thấy một cây bồ đề là hậu duệ của cây bồ đề từ Bodhgaya (Ấn Độ) nơi Đức Phật đã đạt được giác ngộ.
Wat Pho có gần 100 bảo tháp. Bốn bảo tháp lớn nhất được dành riêng cho bốn vị vua đầu tiên của triều đại Chakri, chứa một ít tro cốt của Vua Rama I đến Vua Rama IV.
Sảnh đường lưu giữ tượng Phật chính của Wat Pho, được đặt tên là Phra Buddha Deva Patimakorn, một bức tượng tráng lệ thể hiện ấn thiền tọa trên một bệ được trang trí lộng lẫy, dưới đó chôn cất một ít tro cốt của Vua Rama I.
Các bức tường bên ngoài của sảnh đường chứa hơn 150 bức phù điêu được cắt bằng đá cẩm thạch thể hiện các cảnh trong sử thi Ramakien.
Wat Pho được biết đến là cái nôi của massage Thái, các khóa học massage được tổ chức dành cho bất kỳ ai. Bên cạnh đó nơi đây cũng trở thành một trung tâm kiến thức và nghiên cứu về y học cổ truyền Thái Lan. Một trường dạy massage được thành lập ở đây vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, quanh ngôi trường, du khách sẽ tìm thấy những bức tượng đá thể hiện nhiều kỹ thuật xoa bóp khác nhau.
Wat Pho đã được UNESCO trao Giải Ký ức Thế giới vào năm 2008. Giải thưởng được trao cho hơn một nghìn tấm bia được khắc tại Wat Pho có chứa các giáo lý Phật giáo và kiến thức về y học cổ truyền Thái Lan bao gồm cả xoa bóp Thái truyền thống.

Loha Prasat trong Wat Ratchanatdaram Worawihan
Với kiến trúc đặc biệt, nằm gần các điểm du lịch chính của Bangkok, Loha Prasat là một điểm đến đáng ghé khi du khách có dịp đến thăm Bangkok. Loha Prasat có nghĩa là một tòa nhà nhiều tầng có mái bằng kim loại, hay còn được biết đến là “lâu đài kim loại” hoặc “lâu đài sắt” và nó nằm trong ngôi chùa nổi tiếng Bangkok, Wat Ratchanatdaram Worawihan.

Loha Prasat có cấu trúc kiểu kim tự tháp cao 36m, với phần đỉnh được trang trí bằng 37 ngọn tháp lấp lánh. Số lượng ngọn tháp đại diện cho 37 điều trong giáo lý Phật giáo cần đạt được trước khi giác ngộ. Thiết kế dựa trên một ngôi chùa cổ của Sri Lanka, nhưng Loha Prasat hiện được cho là cấu trúc tôn giáo duy nhất còn lại của phong cách này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Được biết, trước đây có hai công trình kiến trúc tương tự Loha Prasatở Ấn Độ và Anuradhapura (Sri Lanka), nhưng cả hai đều không còn tồn tại cho đến ngày nay, điều này khiến Loha Prasat trở thành một công trình Phật giáo độc đáo, có một không hai trên thế giới.
Du khách có thể leo lên cầu thang xoắn ốc bằng gỗ dẫn lên đỉnh. Mỗi cấp độ là tu viện mà các nhà sư sử dụng để thực hành thiền định. Càng lên cấp cao thì địa vị của các nhà sư ngồi thiền ở đây càng cao. Ở tầng cao nhất có mặt thoáng, du khách có thể đi bộ xung quanh để ngắm nhìn toàn cảnh của Bangkok với Núi Vàng (Golden Mount), Phòng triển lãm Rattanakosin, Đài tưởng niệm Dân chủ và Đại lộ Ratchadamnoen. Bên cạnh đó, dù nằm ở khu vực trung tâm Bangkok, nhưng Loha Prasat không quá đông đúc, do vậy sẽ là một điểm đến phù hợp cho những ai thích sự yên tĩnh và muốn thong thả dạo quanh khuôn viên chùa.


Wat Saket
Nằm ẩn mình trong khu phố cổ Bangkok, Wat Saket hay Chùa Núi Vàng là ngôi chùa cổ được xây trên một ngọn đồi nhân tạo, thu hút đông du khách ghé thăm. Ngồi chùa có thể nhìn thấy từ xa nhưng vị trí chính xác thì không dễ tìm, bên cạnh đó để leo đến đỉnh chùa, du khách cần đi qua hơn 300 bậc cầu thang uốn lượn.
Wat Saket được xây dựng vào thời Ayutthaya, sau đó được cải tạo và nâng cấp liên tục. Nơi đây đã từng là công trình kiến trúc cao nhất ở Bangkok, do đó khi lên tới đỉnh chùa du khách có thể nhìn toàn cảnh của thủ đô Thái Lan. Nhìn ra phía tây là khu vực Đảo Rattanakosin của Bangkok cũ, cũng như Cung điện Hoàng gia, Wat Phra Kaeo và Wat Arun. Ở khoảng cách gần, du khách cũng có thể nhìn thấy Wat Suthat và Xích đu khổng lồ và khi bạn di chuyển quanh bảo tháp, Tượng đài Dân chủ và cầu Rama VIII sẽ hiện ra trong tầm mắt. Nhìn xa hơn về phía đông, du khách sẽ thấy những tòa nhà chọc trời của trung tâm thành phố Bangkok ở các quận Siam và Silom.


Wat Saket hiện tại được xây dựng vào đầu những năm 1900, nhưng nơi đây đã từng tồn tại một ngôi chùa với những tên gọi khác trong hàng trăm năm. Vào đầu những năm 1800, ngôi chùa trở thành lò hỏa táng khi Bangkok bị tàn phá bởi bệnh dịch hạch (tả). Hàng ngàn nạn nhân (ước tính khoảng 30.000-60.000) đã được đưa đến đây để hỏa táng. Ngôi đền bị quá tải bởi số lượng thi thể quá lớn và theo các báo cáo vào thời điểm đó, thậm chí chó và kền kền có thể ăn xác chết trước khi chúng được hỏa táng.
Với sự bảo trợ của hoàng gia, Wat Saket là một ngôi chùa quan trọng đối với những người theo đạo Phật Thái Lan. Tuy nhiên điểm thu hút của Wat Saket với du khách nước ngoài là lễ hội Loy Krathong được tổ chức hàng năm tại đây Núi Vàng (Golden Mount ) nằm trong khuôn viên chùa.
Vua Rama I (trị vì 1782-1809) đã trùng tu ngôi chùa ở Wat Saket nhưng chính cháu trai của ông, Rama III (trị vì 1824-1851), là người có ý tưởng xây dựng một ngọn đồi nhân tạo trên đỉnh với một bảo tháp lớn. Thiết kế dựa trên một ngôi đền từ thủ đô Ayutthaya của Xiêm La cổ đại với ngọn đồi nhân tạo được cho là tượng trưng cho núi Tu Di trong vũ trụ học Phật giáo.
Thật không may, đất mềm và hệ thống thoát nước trong khu vực đã dẫn đến sự sụp đổ của bảo tháp và nó bị bỏ hoang cho đến triều đại của Rama IV (1851-68). Lúc này việc gia cố gò đất đã thực hiện được và vì vậy mà người ta có thể xây dựng một bảo tháp nhỏ hơn ở đây. Việc xây dựng cuối cùng đã được hoàn thành dưới triều đại của Rama V (1868-1910) và một xá lợi của Phật đã được mang từ Ấn Độ về để đặt bên trong bảo tháp. Tiếp đó, những bức tường bê tông bên ngoài Núi Vàng được xây dựng thêm vào những năm 1940. Người dân địa phương gọi ngọn đồi là “phu khao tong” nghĩa là “núi vàng”.
Có 344 bậc thang từ chân núi đến sân thượng trên đỉnh chùa, và chu vi của nền chùa là 330m và tổng chiều cao là 76,5m. Đoạn đường đi bộ lên đỉnh chùa, qua các bậc thang thực sự là một đoạn đường rất dễ chịu với tiếng chuông chùa, vườn hoa và thác nước thu nhỏ giúp bạn thư thái khi leo núi. Ngoài ra còn có một quán cà phê nhỏ và nhà vệ sinh nằm ở tầng dưới của ngọn núi để bạn dừng chân nghỉ ngơi.

Wat Suthat
Wat Suthat nằm trên đường Bamrung Muang, đối diện Tòa thị chính Bangkok, là một ngôi chùa nổi tiếng ở Bangkok nói riêng và cả Thái Lan nói chung. Ngôi chùa có một hội trường lớn để cầu nguyện với những mái nhà rộng lớn và những bức tranh tường tráng lệ. Bên cạnh đó Wat Suthai còn sở hữu những tấm cửa được chạm khắc bằng tay tinh xảo làm bằng gỗ tếch cũng như chiếc xích đu khổng lồ (Sao Ching Cha) màu đỏ nổi bật với chiều cao tới hơn 20m ở lối vào chính.

Wat Suthai được Vua Rama I cho xây dựng vào năm 1807. Khi tịnh xá (viharn) được hoàn thành, bức tượng Phật đúc bằng đồng thế kỷ 13 từ Sukhothai đã được đưa đến đặt ở đây. Ngôi chùa được quy hoạch gọn gàng, bố trí theo các ô vuông đồng tâm. Mặc dù được mở rộng qua nhiều năm, trải qua ba đời vua từ Rama I đến Rama III, nhưng tất cả các cấu trúc của chùa vẫn giữ được một thiết kế đặc trưng và hài hòa. Những mái nhà nhiều tầng, được lát bằng đá phiến màu nâu sáng, có những hình chạm khắc bằng gỗ mạ vàng tinh xảo ở các đầu hồi và các cấu trúc giống như sừng nhô ra ở các đầu (chofah). Các hành lang trong chùa được lót bằng 156 bức tượng Phật mạ vàng, cao 2m. Hai mươi tám tháp chùa Trung Quốc, tượng trưng cho 28 kiếp trước của Đức Phật.
Ở một góc của sân trong, có một bức tượng của Vua Rama VIII Ananda Mahidol, để tưởng niệm vị vua trẻ đã có một triều đại ngắn ngủi và bi thảm. Vua Ananda rất gắn bó với Wat Suthai và hài cốt của ông được an táng dưới chân tượng Phật ở hội trường thuyết pháp.
Wat Suthat mở cửa hàng ngày từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Phí vào cửa là 20 bath.


Wat Traimit
Wat Traimit hay còn gọi là chùa Phật Vàng, nằm ở cuối đường Yaowarat, gần ga Hualampong, thuộc quận Samphanthawong, Bangkok. Điểm thu hút của Wat Traimit nằm ở pho tượng Phật bằng vàng khối trong tư thế ngồi thiền.
Tượng Phật Vàng được đúc vào thời đại Sukhothai, thời kỳ phát triển nhất của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Thái Lan. Bức tượng ban đầu được đặt trong một ngôi chùa ở cố đô Ayutthaya. Khi chiến tranh nổ ra, người Thái không muốn người Miến Điện lấy đi bức tượng vàng đó nên đã tráng một lớp xi măng bên ngoài. Bí mật này được giữ kín và những người thực hiện nhiệm vụ trát xi măng cho bức tượng vàng quý giá đã bị giết ngay sau khi hoàn thành công việc.
Sau đó, tượng Phật được chuyển đến Bangkok và được đặt tại chính điện của chùa Choti - Naram dưới triều đại của vua Rama III (1824 - 1851). Mãi đến những năm 1950, khi được chuyển đến một ngôi chùa mới ở Bangkok, bức tượng đã bị trượt khỏi cần cẩu và rơi xuống một hố bùn. Vì nghĩ tượng bằng xi măng nên không ai thèm rước và pho tượng Phật quý này tiếp tục bị lãng quên thêm một thời gian nữa. Người dân địa phương kể rằng một nhà sư đã được Đức Phật báo mộng để tìm và kéo bức tượng lên. Qua một vết nứt, nhà sư nhìn thấy một tia sáng màu vàng, và thế là tượng Phật Vàng được "tái sinh". Từ đó, tượng Phật vàng trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Bangkok của mọi du khách.

Wat Traimit nổi tiếng tượng trưng cho sự thịnh vượng, thuần khiết cũng như sức mạnh và quyền lực. Đây là lý do chính khiến Wat Traimit được nhiều người dân địa phương và khách du lịch ghé thăm mỗi khi đến đây để cầu may mắn và thịnh vượng. Hiện nay, tượng Phật vàng được đặt trên đài sen bằng đá cẩm thạch trắng. Được biết trong tất cả các tượng Phật ở Bangkok, kể cả tượng Phật Ngọc ở chùa Wat Phra Kaew và tượng Phật nằm ở chùa Wat Pho, thì tượng Phật vàng ở chùa Wat Traimit được đánh giá là đẹp nhất, chạm khắc tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Khi đến thăm Wat Traimit, du khách sẽ khi bắt gặp cảnh người Thái đến chùa để tỏ lòng thành kính với Đức Phật bằng cách dát vàng lá lên pho tượng vàng quý giá. Về thời gian tham quan, chùa Wat Traimit mở cửa đón khách từ 9h - 17h với giá vé 40 baht/người. Thời điểm lý tưởng nhất để du khách viếng thăm chùa là vào sáng sớm, khi ít khách hành hương, dễ chiêm bái, thiền định và tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.

Wat Yannawa
Nằm bên bờ sông Chao Phraya ở quận Sathorn là Wat Yannawa, hay còn được gọi là “chùa thuyền”. Đây là ngôi chùa Hoàng gia hạng 3, đáng để ghé thăm khi đi du lịch Bangkok. Đặc điểm nổi bật nhất của chùa là hội trường thuyết pháp (viharn) được xây dựng theo hình dạng của một chiếc thuyền mành của Trung Quốc, một dạng thuyền buồm của thế kỷ XIX.
Wat Yannawa là một trong những ngôi chùa cổ ở Bangkok, được xây dựng vào thời Ayutthaya, trước khi thành lập Vương quốc Rattanakosin và thành phố Bangkok. Lúc bấy giờ ngôi chùa có tên là Wat Kok Khwai. Sau đó, dưới thời trị vì của vua Nangklao (Rama III, 1824 - 1851), một tịnh thất được xây dựng theo hình một con tàu mành của Trung Quốc và ngôi đền được đổi tên thành Wat Yannawa, có nghĩa là “ngôi chùa thuyền”.

Nhà vua cho xây dựng cấu trúc giống như chiếc thuyền để làm đài tưởng niệm các thuyền mành của Trung Quốc đã được sử dụng để buôn bán với Trung Quốc và mang lại sự thịnh vượng cho đất nước. Dưới thời trị vì của Vua Nangklao, các thuyền buồm của Trung Quốc đã được thay thế bằng tàu hơi nước.
Bản sao tàu mành Trung Quốc dài hơn 40m làm từ bê tông. Ở nơi nên đặt cột buồm là hai bảo tháp hoặc chùa màu trắng. Ở phía sau nơi đặt bánh xe là một căn phòng chứa một số tượng Phật, nơi du khách có thể tỏ lòng thành kính với Đức Phật. Ở đầu cầu thang dẫn lên thuyền là tượng vua Nangklao.
Ngoài công trình nổi bật có hình dáng chiếc thuyền, Wat Yannawa còn có nhiều công trình khác như sảnh chính (ubosot) phía sau “chiếc thuyền”, nơi các nhà sư được thụ phong. Sảnh chính này có mái nhiều tầng với các chofah hình rắn Naga cách điệu trang trí các cạnh mái. Ngoài ra trong khuôn viên chùa còn có một hội trường lớn, một số văn phòng và thư viện và nơi ở của các nhà sư (kuti).
