News and Offers
Chùa Phật Ngọc - Một trong những ngôi chùa quan trọng nhất Thái Lan
Có một bức tượng Phật nhỏ được đặt trên một bệ lớn nhiều tầng trong một ngôi đền (wat) tráng lệ ở Bangkok, Thái Lan. Bức tượng đã ở đó từ năm 1784 và lúc đầu người ta nghĩ tượng được làm từ ngọc lục bảo. Mỗi ngày có hàng trăm khách du lịch và khách hành hương xếp hàng để chiêm ngưỡng bức tượng. Người dân Thái Lan tin rằng bức tượng mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia của họ.
Trước năm 1784, bức tượng đã đi khắp Sri Lanka, Ấn Độ, Campuchia và Lào trong hàng trăm năm để phân phát phép lạ. bức tượng được tôn kính vì sức mạnh bảo vệ của nó và người ta ai sở hữu bức tượng người ấy thì sẽ có quyền lực chính trị hợp pháp.
Bức tượng này là gì và tại sao nó lại quan trọng đối với vua Rama I (1782-1809) đến nỗi ông đã chuyển thủ đô của Thái Lan từ Ayutthaya đến Bangkok và xây dựng một ngôi chùa (wat) và Cung điện để vĩnh viễn lưu giữ bức tượng?
Đó là một câu chuyện thần thoại xen lẫn những sự thật lịch sử, và chúng ta sẽ biết được rằng bức tượng này có nguồn gốc rất bí ẩn.

Phật Ngọc
Bức tượng được gọi là Phra Kaew Morakot trong tiếng Thái. Bức tượng lấy nguyên mẫu từ thái tử Siddharta Gautama, hay Đức Phật trong tư thế thiền định và mặc áo vàng đính kim cương. Người ta còn nhiều tranh luận về thời điểm cụ thể Đức Phật sống, nhưng có quan điểm đồng ý rằng Ngài sống ở miền bắc Ấn Độ giữa thế kỷ VI và giữa thế kỷ thứ IV trước Công nguyên.
Trong tiếng Anh, bức tượng được gọi là Emerald Buddha có nghĩa là Phật Ngọc. Tượng có chiều cao 66 cm, rộng 48,3 cm, và được chạm khắc từ một mảnh jasper màu xanh xám duy nhất được tìm thấy ở Châu Phi và Ấn Độ (không phải ngọc lục bảo như tên gọi của nó). Du khách lần đầu tiên thường ngạc nhiên khi thấy một vị Phật nhỏ bé như vậy ngồi cao trên bệ chín mét gần như chạm trần trong chính điện (ubosot). Hình ảnh Đức Phật được đặt trên cao, trên đầu du khách thể hiện sự tôn kính đối với Ngài.
Kể từ năm 1784, bức tượng Phật đã được trông coi lần lượt bởi các vị vua Thái Lan. Các vua sẽ thay đổi trang phục của Đức Phật - mỗi mùa một phục trang khác nhau. Phật Ngọc là sự che chở linh liêng của Thái Lan. Đến nỗi các chính trị gia bị buộc tội tham nhũng nếu muốn chứng minh mình trong sạch phải thề vô tội trước bức tượng, và quốc vương trị vì phải tuyên thệ trung thành trước nó trong lễ lên ngôi.
Không có tư liệu chỉ rõ nguồn gốc của Phật Ngọc cũng như người đã chạm khắc nên bức tượng. Người ta chỉ biết bức tượng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1434 ở Chiang Rai, miền bắc Thái Lan khi sét đánh vỡ một bảo tháp Phật giáo hình chuông làm lộ ra bức tượng.
Cho đến ngày nay, những điều về bức tượng đều nhuốm màu thần bí. Phần lớn những gì được biết về nguồn gốc và chuyến chu du các nước của Phật Ngọc đến từ Biên niên sử của Phật Ngọc (Chronicle of the Emerald Buddha), được viết bằng tiếng Pali trên một bản thảo lá cọ được tìm thấy ở Chiang Mai trong thế kỷ XV. Biên niên sử phần lớn là hư cấu, vì vậy chúng ta có thể tham khảo nhưng không nên tin hoàn toàn. Tuy nhiên, các sự kiện được đề cập từ thế kỷ XV trở đi là chính xác về mặt lịch sử. Tóm lại câu chuyện thần bí về xuất xứ của Phật Ngọc là lý do tại sao bức tượng được cho là có sức mạnh tâm linh và là một biểu tượng cực kỳ quan trọng đối với người dân Thái Lan.

Truyền thuyết về Phật Ngọc
Năm 1932, Biên niên sử Phật Ngọc đã được dịch sang tiếng Anh bởi lãnh sự Pháp tại Thái Lan, Camille Notton (khoảng 1881-1961). Có rất nhiều bản thảo về bức tượng từ các nước láng giềng như Campuchia và Lào. Điều này cho thấy có khả năng một văn bản cũ hơn tồn tại, nhưng Biên niên sử là phiên bản cho chúng ta biết về nguồn gốc của bức tượng.
Theo đó, Phật Ngọc, được gọi là Phra Mahamaniattanapatimakon, được tạo ra ở Pataliputra (Patna ngày nay) ở Ấn Độ vào năm 43 trước Công nguyên bởi một nhà sư Phật giáo Sarvastivadan. Indra và Vishnu, hai vị thần Ấn Độ, đã ban cho ông viên đá quý để ông tạc nên bức tượng. Vị sư tuyên bố quyền lực và ảnh hưởng của Phật Ngọc sẽ tồn tại trong 5.000 năm và nó sẽ đi đến năm vùng đất. Nó được tôn kính và rước trong các đám rước Phật giáo trong 300 năm ở Pataliputra trước khi được gửi đến Ceylon (Sri Lanka) để cứu đất nước này khỏi một cuộc nội chiến.
Việc xác định niên đại sau này chỉ ra rằng bức tượng có thể đã được chế tác vào thế kỷ XV tại Vương quốc Lanna (miền bắc Thái Lan) từ đá nhập ở một mỏ đá Trung Quốc, dù vậy cũng có giả thuyết cho rằng nó có nguồn gốc từ Sri Lanka.
Các biên niên sử tiếp tục cho chúng ta biết rằng vào năm 457, vua Miến Điện (Myanmar) đã yêu cầu Phật Ngọc thực hiện cuộc hành trình đến đất nước mình để giúp thúc đẩy Phật giáo. Sau khi hoàn thành sứ mạng, con tàu chở bức tượng trở về Ấn Độ bị lạc đường và dừng lại ở Campuchia. Bức tượng nhỏ đã lưu trú hàng trăm năm ở Angkor Wat cho đến khi vua Anawrahta (trị vì 1044-77) yêu cầu Campuchia trả lại Miến Điện, nhưng người cai trị Angkor đã từ chối yêu cầu. Biên niên sử Luang Prabang (Luang Prabang Chronicles), song song với Biên niên sử của Phật Ngọc, cho rằng Vua Anawrahta đã cải trang thành một thương gia để đánh cắp bức tượng nhưng thất bại.
Người Thái đã chiếm được bức tượng Phật vào năm 1432, và đưa tượng đến Chiang Rai, giấu sau một bức tường trong bảo tháp Wat Pa Yiah (nghĩa là Ngôi chùa của rừng trúc vàng). Vào năm 1434, bức tượng đã một lần nữa xuất hiện khi sét đánh vào bảo tháp, phá hủy một phần của bảo tháp, và các nhà sư tìm thấy Phật Ngọc phủ bởi lá vàng và vữa. Nhiều tháng sau, vị sư trụ trì nhận thấy một mảnh vụn trong lá vàng và mở lớp bọc bên ngoài để lộ ra một bức tượng nhỏ được chạm khắc từ một mảnh pha lê xanh.
Hàng ngàn người đã đến để xem bức tượng nhỏ được cho là có sức mạnh tâm linh tuyệt vời. Vua Samfangkaen (trị vì 1402-1441) của vương quốc Lanna ở Chiang Mai đã ra lệnh đưa tượng Phật đến thành phố của ông vào năm 1436. Nó được đặt trên lưng một con voi, nhưng có vẻ như bức tượng có mong muốn khác vì con voi trở nên kích động và đã đi xuống con đường đến Lampang. Một con voi khác bình tĩnh hơn đã được thay thế để mang bức tượng Phật nhưng nó cũng lao về phía Lampang.
Vua Samfangkaen quyết định rằng Phật Ngọc không muốn đến Chiang Mai. Ông cho phép nó được đặt trong đền Phra Keo ở Lampang. Năm 1560, Setthathirat I (1534-1571), vua của Chiang Mai và Lào, sau đó dời đô cùng với Phật Ngọc đến Viêng Chăn ở Lào.

Bức tượng đã có một thời gian dài 250 năm ở Viêng Chăn cho đến năm 1778 khi chỉ huy quân đội Thái Lan, Taksin Đại đế (1734-1782), chiếm được thành phố và mang Phật Ngọc trở lại Thái Lan. Taksin đã mang bức tượng Phật đến Thonburi, thủ đô của Thái Lan trong một thời gian ngắn sau khi Ayutthaya bị người Miến Điện phá hủy vào năm 1767. Thonburi nằm đối diện Bangkok ngày nay, trên bờ phía tây của sông Chao Phraya.
Taksin được cho là một nhà lãnh đạo độc đoán với nhiều tham vọng và có sự bất ổn về tinh thần. Ông đã bị lật đổ và bị hành quyết vào năm 1782 bởi một trong những vị tướng thân cận của mình, người đã trở thành vua Rama I (1737-1809) và sáng lập triều đại Chakri, là triều đại vẫn đang cầm ở Thái Lan cho đến hiện nay.
Rama I đặt tên cho thủ đô của mình là Rattanakosin (Bangkok ngày nay). Rattanakosin trong tiếng Thái có nghĩa là "nơi cất giữ Phật Ngọc", và chính tại đây, bức tượng đã tìm được nơi ở lâu dài của mình trong một ngôi đền lớn được xây dựng bởi Rama I. Tượng Phật Ngọc được đặt vào ngôi chùa đặc biệt dành riêng cho mình vào năm 1784.
Thủ đô Thái Lan được chọn nhờ vị trí trọng yếu của nó, nằm cạnh sông Chao Phraya nhằm có được sự bảo vệ chống lại những kẻ xâm lược đồng thời cung cấp các tuyến liên lạc và giao thông cho thủ đô mới.
Xuất xứ thần bí và lịch sử du ngoạn khắp nơi của bức tượng làm nổi bật một niềm tin quan trọng đối với các bức tượng Phật. Người ta tin rằng các tượng Phật đã bảo vệ vị vua, thành phố hay thủ đô của họ.
Phật Ngọc đã trải qua hàng trăm năm qua lại giữa các quốc gia, nhưng bây giờ bức tượng là biểu tượng mạnh mẽ của triều đại cầm quyền Chakri, và người dân Thái Lan tin rằng bức tượng mang lại vận may lớn và sự bảo vệ cho đất nước của họ.

Chùa Phật Ngọc
Tên chính thức của ngồi chùa (wat) được xây dựng để trưng bày bức tượng Phật là Phra Sri Rattana Satsadaram, nhưng người Thái gọi nó là Wat Phra Kaew. Nó nằm trong khuôn viên của khu phức hợp Cung điện Hoàng gia (Grand Palace), có diện tích 213.677 mét vuông ở trung tâm Bangkok và được cho là điểm thu hút khách du lịch ấn tượng nhất của thành phố. Có hơn 100 địa điểm trong khu phức hợp cho khách du lịch đến thăm và tất cả chúng đều nằm trong khuôn viên được giới hạn bởi bức tường màu trắng của khu phức hợp.
Mặc dù có hơn 40.000 ngôi chùa Phật giáo ở Thái Lan, Wat Phra Kaew là ngôi chùa Phật giáo chính của đất nước và tầm quan trọng tâm linh của nó có thể được so sánh với nhà thờ Đức Bà Paris hoặc nhà thờ Hồi giáo al-Haram của Mecca.
Cung điện Hoàng gia được xây dựng từ gỗ và gạch còn sót lại sau khi Ayutthaya bị phá hủy. Rama I đã ra lệnh thiết kế mặt bằng giống như mặt bằng của Cung điện Hoàng gia ở Ayutthaya để lưu giữ chút gì đó về ký ức của thành phố đã từng là thủ đô của Thái Lan trong 417 năm.
Tượng Phật Ngọc được đặt trong nhà nguyện hoàng gia (bot) và nó nằm trong chính điện (ubosot) trên một ngai vàng (busabok) làm bằng gỗ chạm khắc inh xảo. Niềm tin của Phật giáo là bức tượng Phật lâu đời thì quyền năng của nó càng mạnh mẽ. Phật Ngọc thường được mang đi khắp Thái Lan trong các trận dịch và bệnh dịch. Vào năm 1820, một dịch tả bùng phát và người ta tin rằng bức tượng Phật có sự sáng suốt (nana) để loại bỏ căn bệnh và xua đuổi tà ma. Vua Rama IV (1851-1868) đã chấm dứt việc Phật Ngọc được sử dụng trong các nghi lễ và đám rước vì ông tin rằng bệnh tật là do vi trùng gây ra, và bức tượng vẫn còn ở Wat Phra Kaew kể từ đó.
Vẻ ngoài của ngôi đền rất thu hút với mái ngói tráng men màu cam, xanh lá cây và xanh đậm, các tác phẩm chạm khắc mạ vàng, chuông đồng kêu leng keng và những bức tranh khảm màu lấp lánh. Sau khi bước vào khuôn viên Cung điện Hoàng gia qua Cổng Chiến thắng (Victory Gate) du khách sẽ thấy ngôi chùa nằm ở bên trái và gần như giữ được phần dáng vẻ ban đầu như khi chùa được xây dựng vào năm 1784.
Chùa Phật Ngọc nằm ở phía đông bắc của Cung điện, và bạn cần đi qua những cánh cửa gỗ được khảm xà cừ minh họa các cảnh trong bộ sử thi Ramakien để vào chùa. Ubosot là một không gian hình chữ nhật lớn với tượng Phật Ngọc được đặt trên bệ vàng có nhiều tầng. Bệ đã được thêm vào bởi vua Rama III (1824-51). Tỷ lệ của căn phòng với tượng Phật nhỏ cao phản ánh tầm quan trọng mang tính biểu tượng của bức tượng.


Có rất nhiều bức tượng Phật khác trong chùa. Hai bức tượng Phật cao ba mét đứng ở hai bên bệ, và được cho là lấy hình ảnh hai vị vua đầu tiên của triều đại Chakri.
Có lẽ điểm ấn tượng nhất của Wat Phra Kaew là những bức tường trang trí. Đằng sau Phật Ngọc là một bức tranh tường đại diện cho vũ trụ theo vũ trụ quan Phật giáo. Các bức tường bên ngoài, trải dài 2km, được bao phủ bởi 178 tấm tranh tường được vẽ dưới triều đại của Rama I, là những hình ảnh đầy màu sắc từ sử thi Ramakien, là phiên bản Thái Lan của sử thi Hindu, Ramayana. Sử thi được vẽ từ cổng phía bắc của ngôi đền, từ đây nếu muốn xem hết sử thi từ đầu, du khách di chuyển theo chiều kim đồng hồ dọc theo bức tường. Ramakien là câu chuyện về chiến thắng của cái thiện trước cái ác và có Rama, anh hùng và thần khỉ Hanuman.



Có tất cả sáu cặp hộ pháp khổng lồ đứng bên cạnh tất cả các lối vào chùa. Họ được gọi là yaksha và là những vị thần Phật giáo bảo vệ chống lại linh hồn ma quỷ. Trong tiếng Thái, chúng được gọi là yak (khổng lồ). Yaksha được đặt ở các lối vào chùa từ dưới triều đại của Rama III.
Trong khuôn viên của Wat Phra Kaew và cách nơi đặt Phật Ngọc một phút đi bộ, là một bảo tháp vàng gọi là Phra Siratana Chedi, được vua Rama IV dựng lên vào năm 1855 để chứa xá lợi Phật. Đó là một kiến trúc hình chuông trên một bệ tròn theo phong cách Tích Lan (Ceylonese), và mang lại thêm sức mạnh cũng như công đức cho triều đại Chakri. Đây là cấu trúc cao nhất trong quần thể Cung điện Hoàng gia và có thể được nhìn thấy từ sông Chao Phraya.

Phật Ngọc & nhà Vua
Chùa Phật Ngọc đóng vai trò trung tâm trong lễ đăng quang của các vị vua Thái Lan. Quốc vương hiện tại của Thái Lan là Maha Vajiralongkorn hay Rama X (trị vì 2016-nay), là vị vua đầu tiên kế vị vua cha Rama IX (1927-2016) sau 69 năm (trước đó vua Rama IX và VII đều kế thừa hoàng vị từ anh trai mình). Trước lễ đăng quang kéo dài ba ngày, Rama X đã bày tỏ lòng kính trọng đối với tượng Phật Ngọc bằng cách thắp một ngọn nến vào lúc 4h19 chiều - thời điểm mà các nhà chiêm tinh của triều đình coi là tốt lành.
Nước thánh được rước một cách trang trọng đến chùa cho nghi lễ thanh tẩy hoàng gia. Và một tấm bảng vàng khắc tên chính thức, tử vi và con dấu hoàng gia của nhà vua đã được chuyển từ chùa đến Cung điện Hoàng gia.
Nhà vua thay quần áo của tượng Phật ba lần một năm: vào tháng Ba, tháng Bảy và tháng Mười Một. Hai trong số những bộ quần áo bằng vàng được có từ thời Rama I. Trang phục mùa nóng (tháng ba) bao gồm vương miện đính đá quý và áo choàng vàng; quần áo mùa mưa (tháng Bảy) là một chiếc áo mưa nhỏ và một cái mũ; và một chiếc áo choàng vàng nguyên khối dành cho mùa mát mẻ (tháng mười một). Nghi lễ đánh dấu sự thay đổi của các mùa, và mỗi bộ trang phục được cho là có giá khoảng 3,8 triệu USD.


10 sự thật thú vị
1. Trong Wat Phra Kaew, bạn phải ngồi với đôi chân hướng ra xa Phật Ngọc như một dấu hiệu của sự tôn trọng.
2. Ba lần một năm, nhà vua Thái Lan trèo lên một cái thang phía sau tượng Phật và lau bụi trên bức tượng trước khi thay quần áo.
3. Chỉ có Đức vua mới có thể chạm vào Phật Ngọc vì ông là người được chỉ định bảo vệ đức tin Phật giáo ở Thái Lan.
4. Wat Phra Kaew không có khu nhà ở cho các nhà sư.
5. Một điểm thu hút khác tại chùa là một bản sao chính xác của Angkor Wat, được xây dựng dưới triều đại của Rama IV khi Campuchia nằm dưới sự kiểm soát của Thái Lan.
6. Vào tháng 5 năm 1992 CN, khi có các cuộc biểu tình chống lại một nền dân chủ được cho là suy yếu, Rama IX đã ra lệnh cho Tướng suchinda Kraprayoon (Thủ tướng) quỳ gối trước mặt ông ta để công khai sỉ nhục Thatinda. Sự thất sủng đầy bi đát của vị tướng cho thấy sức mạnh to lớn mà nhà vua Thái Lan nắm giữ và nó bắt nguồn từ Phật Ngọc.
7. Lễ vật cúng Phật Ngọc thường là hoa loa kèn và hương.
8. Có khu vực xem riêng với màn hình cho gia đình hoàng gia khi họ đến thăm Phật Ngọc.
9. Thời gian mở cửa là 8:30 sáng nhưng khách du lịch thường có mặt trước 8:00 sáng. Vì chùa (wat) là một nơi linh thiêng, bạn phải ăn mặc phù hợp - không hở hang, không quần short, không dép. Du khách có thể thuê quần áo phù hợp ngay trong khuôn viên. Nếu bạn đến thăm trong mùa nóng, hãy mang theo nước vì những chai nước nhỏ mà bạn có thể mua tại chỗ rất đắt. Bạn có thể mua vé trực tuyến từ trang web của Cung điện Hoàng gia (Grand Palace).
10. Đồ dùng bằng bạc cho các nghi lễ cấp nhà nước và lễ đăng quang được cất giữ dưới sảnh ngai vàng của Cung điện Hoàng gia.
Nguồn: worldhistory