News and Offers
Phật Quang Sơn - Danh thắng Đài Loan
Phật Quang Sơn (mang ý nghĩa ngọn núi nơi tỏa ra ánh sáng của Đức Phật) là một phái nhỏ của đạo Phật, khởi nguồn từ quận Dashu, thành phố Cao Hùng, Đài Loan. Cũng tại Dashu, năm 1967, trụ sở chính đầu tiên của Phật Quang Sơn đã được xây dựng và dần trở thành một khu phức hợp đồ sộ.
Ngày nay, Phật Quang Sơn có hơn 200 ngôi chùa chi nhánh trên khắp thế giới, với mong muốn truyêng bá Phật giáo Nhân văn và tạo nên một Cõi Tịnh độ trên Trái Đất.
Khu phức hợp này gồm có Tu viện Phật Quang Sơn (Fo Guang Shan Monastery), Kho Kinh (Sutra Repository) và Bảo tàng Đức Phật (Buddha Museum) nằm trên một khu vực rộng lớn. Khu phức hợp có rất nhiều công trình kỳ công, mà chưa chắc du khách đã có thể viếng thăm hết chỉ trong một ngày. Địa danh này được TripAdvisor đưa vào top 10 danh thắng đẹp nhất Đài Loan trong ba năm liên tiếp kể từ năm 2014.
Hình: FoGuangShanOnlineService
Lịch sử
Tu viện Phật Quang Sơn được Hòa thượng Tinh Vân (Hsing Yun) khởi xướng xây dựng vào năm 1967, dần được đông đảo phật tử biết tới. Năm 1998, Hòa Thượng Tinh Vân đã đến Ấn Độ chủ trì Lễ Truyền Giới Tam Đài và có cơ duyên được gặp Kunga Dorje Rinpoche. Để bày tỏ lòng biết ơn đối với những đóng góp của Phật Quang Sơn trong hoạt động truyền bá Phật giáo, Kunga Dorje Rinpoche đã giao cho nhà sư Tinh Vân xá lợi răng Phật do chính Rinpoche gìn giữ bí mật trong 30 năm. Ngài cũng bày tỏ hy vọng sẽ có một đài tưởng niệm được xây dựng để lưu giữ và tôn vinh xá lợi răng Phật nhằm giúp cho Phật giáo được truyền bá rộng rãi hơn.
Xá lợi răng Phật là một khối pha lê rắn chắc được tạo thành từ phần còn lại của răng Phật. Sau khi Đức Phật nhập niết bàn, thi thể Ngài sẽ được hỏa táng và xá lợi được hình thành trong quá trình đó sẽ được tìm thấy trong tro cốt của Ngài. Theo quan niệm Phật giáo, các xá lợi này là kết quả của sự tu tập, nuôi dưỡng định và tuệ của Đức Phật, là hiện thân của công đức to lớn.
Được biết trên thế giới chỉ có ba xá lợi răng Phật, và chúng đã tồn tại hơn 2500 năm qua. Ngoài xá lợi được lưu giữ ở Bảo tàng Đức Phật (Phật Quang Sơn), một cái được giữ ở Sri Lanka, cái còn lại ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Điều này cho thấy xá lợi răng Phật rất quý hiếm, do vậy du khách đừng nên bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng xá lợi này khi đến thăm Phật Quang Sơn.
Tu viện Phật Quang Sơn
Tu viện Phật Quang Sơn có diện tích khoảng 39ha, đây là nơi tu tập và đào tạo Phật giáo chính của Phật Quang Sơn. Nơi đây có các khu vực thú vị để khám phá như: Hang Tịnh Độ (Pure Land Cave), Chính điện (Main Shrine), Thiền đường, Great Buddha Land (tạm dịch: vùng đất Phật vĩ đại), cổng Padmagarbha, Kinh Thư Pháp Đường (Sutra Calligraphy Hall),…
Chính điện
Chính điện Tu viện Phật Quang Sơn có diện tích 3570m2, cao 30m được đích thân Hòa thượng Tinh Vân thiết kế. Nơi đây thờ ba tượng Phật, mỗi tượng cao 7,8m với dáng vẻ điềm tĩnh và trang nghiêm chứa đựng lòng từ bi vô hạn.
Bức tượng ở trung tâm là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của cõi Ta Bà (Sahā), bên trái là là Đức Phật Bhaisajaguru (Phật Dược Sư) của cõi Tịnh Độ Lưu Ly và bên phải là Đức Phật A Di Đà (Đức Phật Vô Lượng Quang) của Tây Phương Cực Lạc.
Bốn bức tường của Chính điện có các hốc tường mô phỏng theo các hang động ở Đôn Hoàng, lưu giữ 14800 hình ảnh nhỏ hơn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Một điểm đặc biệt khác của chính điện là nơi đây không có các cột trụ để tránh cản trở tầm nhìn, đồng thời để khoảng 1000 người thoải mái ngồi tham dự các nghi lễ.
Trước mặt các chư Phật là hai tòa Bảo tháp Ánh sáng cao nhất thế giới, mỗi tòa cao gần 3m, có 72 tầng, chứa 7200 tượng Phật. Các Ngài đại diện cho ánh sáng Phật pháp chiếu khắp nhân gian và vũ trụ, là ánh sáng trí tuệ xuyên qua bóng tối vô minh, mang đến hy vọng và hòa bình cho thế giới. Bên trái và bên phải là chuông và trống Phật giáo lớn nhất Đài Loan. Chuông làm bằng đồng nguyên chất, nặng tới 3,8 tấn mất 2 năm và 2 lần đúc để hoàn thành.
Great Buddha Land
Great Buddha Land nằm ở phía đông của Tu viện Phật Quang Sơn, cạnh Điện Trí tuệ vĩ đại (Great Wisdom Shrine). Nơi đây có một tượng Đại Phật cao 36m, có màu vàng, mặt hướng về núi Đại Vũ (Dawu), nhìn dọc theo sông Cao Bình. Xung quanh Đại Phật là 480 bức tượng Phật màu vàng nhỏ hơn, có tư thế giống nhau. Tay phải Phật đưa lên phát ra ánh sáng, như ngọn hải đăng dẫn đường cho chúng sinh trong thế giới tăm tối này. Tay trái Phật hạ xuống làm động tác đang tiếp nhận, giống như người mẹ hiền tiếp nhận chúng sinh và dẫn dắt họ về cõi Tịnh Độ.
Bên dưới đài sen của tượng Đại Phật là Vùng đất Nghìn Phật. Nơi có ghi những bài kinh sám hối cùng hình ảnh của 35 vị Phật ngọc trong Luật tạng, 5 vị Phật Dhyani, Đức Phật Vô Lượng Thọ (Vô Lượng Thọ Phật), Quán Thế Âm bốn tay, Bạch độ Phật mẫu, Lục độ Phật mẫu, các Hộ pháp Kim cương,… tất cả đều được mô tả sống động như nguyên mẫu tại hang Đôn Hoàng. Ngoài ra, còn có những hình ảnh Đại Nhật Như Lai, Văn Thù và Phổ Hiền bồ tát,.. phỏng theo phong cách của hang Long Môn. Đây là sự kết hợp của các truyền thống Phật giáo Bắc tông và Nam tông, bí truyền và phổ biến.
Tại Great Buddha Land, du khách có thể ngắm bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp. Đứng nhìn ra sông Cao Bình, xa xa là những dãy núi phủ sương cho ta cảm giác bình yên đến lạ.
Quy mô của Bảo tàng Đức Phật
Sau chuyến đi về từ Ấn Độ, nhà sư Tinh Vân kêu gọi xây dựng Bảo tàng Đức Phật ngay gần Tu viện Phật Quang Sơn để lưu giữ xá lợi răng Phật quý hiếm mà mình mới được trao tặng. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 2003, sau 9 năm, đến cuối 2011 thì được mở cửa cho công chúng ghé thăm.
Với tổng diện tích hơn 100ha, Bảo tàng Đức Phật có thế lưng tựa núi, mặt quay về hướng Đông đối diện sông Cao Bình Khê, con sông lớn thứ hai của Đài Loan. Từ cổng chính đi vào, du khách lần lượt đi qua Tiền sảnh, Bát Tự (Eight Pagodas) được xây dọc lối vào tượng trưng cho Bát Chính Đạo, Đại Quang Đài (Grand Photo Terrace), Pháp Hội Trí Huệ Bồ Đề (Bodhi Wisdom Concourse) tới Sảnh chính và Đại tượng Phật Quang Sơn ngồi trên một tháp cao. Với tổng chiều cao 108m, dài 50m, Đại tượng Phật Quang Sơn là bức tượng Phật ngồi bằng đồng cao nhất thế giới. Cũng chính vì vậy mà đứng ở bất kỳ đâu trong khuôn viên Bảo tàng Đức Phật, du khách cũng có thể thấy được nụ cười từ bi của Đức Phật.
Sảnh chính
Sảnh chính của Bảo tàng Đức Phật có diện tích 14.190m2, cao 50m được lát đá sa thạch trắng với kiến trúc lấy cảm hứng từ Đền Mahabodhi (Bodh Gaya, Ấn Độ). Bốn góc của Sảnh chính là 4 bảo tháp tượng trưng cho Tứ Diệu Đế, mỗi bảo tháp thờ các vị Quan Thế Âm, Địa Tạng Vương, Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền Bồ Tát. Sảnh chính có ba tầng và một tầng hầm. Ngoài nơi thờ xá lợi răng Phật, Sảnh chính còn có Đại Thính Đường Giác Ngộ có thể chứa tới 2000 người và một không gian trưng bày đa chức năng.
Dưới Sảnh chính có 48 gian địa cung trưng bày các hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa,.. được quyên tặng từ khắp mọi nơi trên thế giới. 48 địa cung này cứ sau 100 năm sẽ được mở một gian để công chúng chiêm ngưỡng.
Ngoài ra, sự kiện “100 vạn bản Tâm Kinh trong Phật” đã tạo nên 100 vạn bản Tâm Kinh do hàng trăm người chép tay như một lời cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Hiện tại, các bản kinh này vẫn đang được lưu giữ ở Sảnh chính.
Pháp Hội Trí Huệ Bồ Đề
Trước Sảnh chính là Pháp Hội Trí Huệ Bồ Đề rộng 100m2, được lát đá phẳng. Trên hành lang hai bên Pháp Hội có 22 bức phù điêu mô tả câu chuyện cuộc đời Đức Phật và 22 bài kệ do Hòa thượng Tinh Vân viết theo lối thư pháp một nét.
Ngoài ra còn có 18 bức tượng A-la-hán, gồm có mười vị đại đệ tử của Đức Phật, các vị đại A-la-hán được nhắc đến trong kinh A-Di-Đà (Amitabha Sutra), A-la-hán Hàng Long, A-la-hán Hàng Hổ và ba vị nữ A-la-hán là Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-la-mật-đề, Ưu-bà-tát-na, và Bà-la-hán Kapilani. Các bức tượng được chạm khắc sống động trong các tư thế đứng hoặc ngồi, tất cả đều mặc áo cà sa sa. Phía trước Pháp Hội là Đại Quang Đài có 37 bậc thang tượng trưng cho 37 yếu tố giác ngộ.
Bát tự tượng trung cho bát chánh đạo
Dọc lối đi phía trước Pháp Hội Trí Huệ Bồ Đề là 8 ngôi chùa (mỗi bên 4 chùa) tượng trưng cho Bát Chánh Đạo. Tên các chùa lần lượt là: Nhất Giáo, Nhị Tổ, Tam Thiện, Tứ Ân, Ngũ Hòa, Lục Viên, Thất Điều và Bát Chánh Đạo. Các ngôi chùa này có kiến trúc giống nhau, đều là những tòa tháp 4 mặt, có 7 tầng, cao 38m được xây dựng chủ yếu từ bê tông cốt thép. Tháp có đế làm từ đá sa thạch, tường ốp đá cẩm thạch, mái lợp ngói và lan can đá. Lối đi giữa 8 ngôi chùa này tượng trưng cho con đường lớn đi tới Phật quả.
Khu vực này còn có những bức tường đá granit đen, nơi ghi nhận những nhà hảo tâm đã đóng góp công đức cho quá trình xây dựng Bảo tàng Đức Phật. Ngoài tên của các nhà hảo tâm, bức tường còn được khắc nhiều bài Pháp của Hòa thượng Tinh Vân.
Khu vực tiền sảnh của Bảo tàng Đức Phật gồm có 2 tầng lầu và một tầng hầm. Tại đây có quầy lễ tân, cửa hàng lưu niệm và nhà hàng chay phục vụ nhu cầu ăn uống và mua sắm của các du khách.
Kiến trúc của Bảo tàng Đức Phật là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Từ bên ngoài, màu vàng của đá sa thạch mang đến cảm giác cổ xưa, nhưng bên trong được trang bị bằng các công nghệ hiện đại. Các công nghệ này hỗ trợ tốt cho việc tu tập tâm linh, đạt tới trí huệ, cũng như đảm bảo để Bảo tàng đáp ứng được vai trò là một địa điểm văn hóa và giáo dục; mang đến những trải nghiệm chân thực và gần gũi về Đức Phật và Phật pháp.
Bên cạnh đó, việc để công chúng chiêm ngưỡng xá lợi Phật nhằm giúp mọi người có thể thực chứng được trí huệ và lòng từ bi của Ngài. Thông qua kính lễ xá lợi Phật, mỗi người có thể nhận ra Phật tánh chân thật ở trong mình.
Ngoài ra, những đóng góp của công chúng trong việc xây dựng cũng như sưu tầm các hiện vật cũng đưa Bảo tàng Đức Phật trở thành một địa điểm văn hóa quan trọng của Đài Loan, nơi lưu giữ những ký ức của nhân loại.
Với những ý nghĩa lớn lao cùng kiến trúc đồ sộ, Phật Quang Sơn là điểm đến không nên bỏ lỡ nếu bạn có cơ hội du ngoạn Đài Loan.
Xem thêm: Lịch khởi hành của Pegas Viet Nam Travel.