News and Offers
Khám phá Tử Cấm Thành, Cố Cung lộng lẫy của Trung Quốc
Tử Cấm Thành (tên tiếng Trung: 故宫 Gugong nghĩa là “Cố cung”) là một quần thể cung điện hoàng gia của nhà Minh và nhà Thanh (1368–1912) tọa lạc ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là một trong năm cung điện quan trọng nhất trên thế giới đồng thời là đỉnh cao của kiến trúc truyền thống Trung Quốc.
Một vài sự thật thú vị về Tử Cấm Thành
1. Tử Cấm Thành là cung điện hoàng gia lớn nhất thế giới với diện tích 720.000 m2, lớn gấp ba lần so với Cung điện Louvre ở Pháp. Để dễ hình dung, bạn nên biết Vatican có diện tích 440.000 m2 và Điện Kremlin có diện tích 275.000 m2. Qua đó có thể thấy được kích thước và quy mô ấn tượng của hoàng cung cổ kính này.
2. Cung điện này cũng có một số cấu trúc bằng gỗ cổ xưa lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất trên thế giới. Do vậy hoạt động phòng cháy và chữa cháy rất được coi trọng tại Tử Cấm Thành. Nơi đây có 94 vòi nước ngầm, 4.866 bình chữa cháy và 55 hoạt động chữa cháy được lên kế hoạch trước. Có một đội cứu hỏa đặc biệt chuyên trách phòng cháy chữa cháy trong Tử Cấm Thành. Họ kiểm tra các thiết bị chữa cháy mỗi ngày. Một trong những bài tập huấn luyện hàng ngày của họ là chạy dọc theo tường thành mang theo vòi cứu hỏa. Bởi vì xe cứu hỏa không thể tiếp cận hầu hết các cung điện, lính cứu hỏa cần phải nhớ toàn bộ bố cục của Tử Cấm Thành. Trong trường hợp hỏa hoạn, họ phải chạy nhanh nhất có thể để dập lửa.
3. Tử Cấm Thành mất 14 năm để xây dựng (từ 1406 đến 1420) và được xây dựng bởi hơn 1.000.000 công nhân, trong đó có hơn 100.000 thợ thủ công.
4. Đây là hoàng cung của Trung Quốc trong 492 năm (1420-1912) và là nơi ở của 24 vị hoàng đế, 14 vị hoàng đế nhà Minh và 10 vị hoàng đế nhà Thanh.
5. Bảo tàng Cung điện trong Tử Cấm Thành là một trong những bảo tàng văn hóa lớn nhất thế giới, đón 14 triệu du khách mỗi năm.
6. Có những tòa nhà theo phong cách châu Âu và Ả Rập trong Tử Cấm Thành.Ở phía tây của Tử Cấm Thành, có một tòa nhà đặc biệt với phong cách Ả Rập, có tên là Dục Đức Đường (Yude Hall - 浴德堂), được xây dựng vào thời nhà Nguyên (1271–1368). Một kiến trúc sư người Ba Tư đã thiết kế phòng tắm theo phong cách Ả Rập. Sau đó, vào thời nhà Minh (1368–1644), Hoàng đế Vĩnh Lạc (Chu Đệ), đã xây dựng Tử Cấm Thành trên địa điểm kinh đô của nhà Nguyên. Phần lớn các tòa nhà đã bị phá hủy, nhưng may mắn là Yude Hall vẫn còn tương đối nguyên vẹn.
Tòa nhà còn lại là Lingzhao Xuan theo phong cách châu Âu trong Diên Hi Cung (Yanxi Palace). Khi Diên Hi Cung bị hỏa hoạn nhiều lần, triều đình nhà Thanh muốn xây dựng một tòa nhà chống cháy với một hồ bơi ở phía dưới bằng thép và đá (vì hầu hết các tòa nhà của Trung Quốc đều bằng gỗ, điều này sử dụng một số nguyên tắc kiến trúc châu Âu). Tuy nhiên, do thiếu kinh phí và cuộc nổi dậy cách mạng vào cuối triều đại nhà Thanh, tòa nhà đã bị bỏ dở.
7. Không có cây cối trong Ngoại Đình vì các hoàng đế nghĩ rằng chúng sẽ làm lu mờ hoặc phá vỡ bầu không khí uy nghiêm.
8. Chim chóc không thể đậu trên mái cung điện, vốn có thiết kế đặc biệt để giữ được sự sạch sẽ và tráng lệ của Tử Cấm Thành. Những người thợ thủ công làm cho phần mái có độ dốc lớn hơn thông thường và làm cho sống mái rộng hơn chiều rộng giữa móng vuốt của một con chim để chim không thể đậu trên mái nhà. Bên cạnh đó, mái nhà được làm bằng ngói tráng men, khiến chúng rất trơn, do đó chim chóc khó mà đậu lên được.
9. Các cung điện nơi các phi tần hoặc hoàng tử phạm lỗi và mất đi sự sủng ái của hoàng đế được gọi là “Lãnh Cung”.
10. Truyền thuyết kể rằng Tử Cấm Thành đã được thiết kế lại để có 9999½ phòng. Thiếu một nửa căn phòng để tránh làm phật lòng Thần trên trời (người được cho là có 10.000 phòng trong cung điện trên trời của mình). Tuy nhiên thực tế Tử Cấm Thành có hơn 90 cung điện và tứ hợp viện, 980 tòa nhà và hơn 8.728 phòng.
11. Các cung điện dành cho những người có địa vị cao hơn trong Tử Cấm Thành có các kiểu cửa ra vào và cửa sổ phức tạp hơn.
12. Bảo tàng Cung điện cũng (cố tình) trưng bày một số “đồ giả”, chúng rất giống với bản gốc và cũng có giá trị lớn.
13. Công việc thường ngày của các hoàng đế trong Tử Cấm Thành rất đều đặn, Họ thường thức dậy lúc 4 giờ sáng và đi ngủ lúc 8 giờ tối.
14. Tử Cấm Thành có những vệ binh đặc biệt, đó là những chú mèo. Hiện có khoảng hơn 100 con mèo sống trong cung điện rộng lớn này. Khi đến thăm Tử Cấm Thành, bạn có thể bắt gặp chúng. Tử Cấm Thành có mèo là bởi vì nhiều phi tần đã nuôi mèo trong các triều đại nhà Minh (1368–1644) và nhà Thanh (1644–1912).
Dù các triều đại có sụp đổ, những chú mèo đó vẫn ở Tử Cấm Thành qua nhiều thế hệ. Do đó, một số con mèo trong Tử Cấm Thành là hậu duệ của những con mèo hoàng gia đó. Số khác là những con mèo đi lạc từ ngoài vào Tử Cấm Thành. Những con mèo này thường di chuyển xung quanh một khu vực cố định, tuần tra mọi ngóc ngách và bắt chuột. Chúng bảo vệ Tử Cấm Thành bằng sức mạnh của mình.
Tại sao lại gọi là Tử Cấm Thành?
Tên tiếng Anh "Forbidden City" được dịch từ tên tiếng Trung Zijincheng (紫禁城 /dzrr-jin-chng/ “Tử Vi Cung”/ “Purple Forbidden City").
Vào thời cổ đại, hoàng đế được cho là con của Trời (Thiên Tử), và do đó được ban quyền lực tối cao từ Trời. Nơi ở của các hoàng đế được xây dựng hướng về phía bắc, như một đối trọng với Tử Vi Viên (Cung điện Tím trên trời), hay là Sao Bắc Đẩu (thường được người Trung Quốc xưa gọi là sao Tử Vi), là nơi ở của Thiên Đế.
Được coi là một nơi thần thánh, nơi ở của hoàng đế chắc chắn bị cấm đối với người thường và đó là lý do nơi này được đặt tên là Tử Cấm Thành. Hiện nay, ở Trung Quốc, nó thường được gọi là "Cố cung" (故宫 Gugong /goo-gong/).
Lịch sử Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành hiện đã 603 tuổi. Nó được xây dựng từ năm 1406 đến năm 1420 theo lệnh của Chu Đệ - Hoàng đế Vĩnh Lạc nhà Minh (trị vì 1402- 1424).
Hoàng đế Vĩnh Lạc là hoàng đế thứ ba của nhà Minh, ông lật đổ cháu mình để lên ngôi. Và để củng cố quyền lực và bảo vệ an ninh của chính mình, ông quyết định dời đô từ Nam Kinh đến Bắc Kinh, vốn là thái ấp của ông.
Tử Cấm Thành đã trải qua ba trận hỏa hoạn nên hầu hết các cung điện hiện nay đều được xây dựng lại dưới thời nhà Thanh.
Trong Chiến tranh nha phiến lần thứ hai (1856–1860), Tử Cấm Thành do quân Anh-Pháp kiểm soát và chiếm đóng cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng, sống trong Tử Cấm Thành cho đến khi bị trục xuất vào năm 1924. Sau đó, Bảo tàng Cung điện trong Tử Cấm Thành được thành lập và mở cửa cho công chúng tham quan.
Cấu trúc của Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành có diện tích khoảng 72 ha với tổng diện tích sàn khoảng 150.000 mét vuông. Tử Cấm Thành có ba phần: phòng thủ (hào và tường), Ngoại Đình và Nội Đình.
1. Cổng và tường Tử Cấm Thành để phòng thủ
Ngọ Môn (Wumen) là cổng chính của Tử Cấm Thành. Nó có ba lối vào. Chỉ có hoàng đế mới được đi qua lối ở giữa. Đây cũng là nơi hoàng đế ban hành các sắc lệnh hoàng gia và lệnh chiến đấu.
Ngọ Môn là lối vào cho các chuyến thăm Tử Cấm Thành. Du khách cần phải đi qua Thiên An Môn (Tian’anmen) để đến Ngọ Môn.
2. Ngoại Đình (Tiền Triều) được sử dụng cho các nghi lễ
Ngoại Đình có ba tòa nhà chính, được gọi là Tiền Tam Đình là nơi các hoàng đế tham dự các buổi lễ lớn.
Điện đầu tiên là Thái Hòa Điện (Taihedian), công trình kiến trúc quan trọng nhất và lớn nhất trong Tử Cấm Thành. Ngai rồng của hoàng đế (Longyi) được đặt trong điện này. Vào thời nhà Thanh, Thái Hòa Điện chủ yếu được sử dụng cho các mục đích nghi lễ, chẳng hạn như lễ đăng quang, lễ tấn phong và đám cưới của hoàng gia.
Điện thứ hai, phía sau Thái Hòa Điện là Trung Hòa Điện (Zhonghedian), nơi nghỉ ngơi của hoàng đế trước khi chủ trì các sự kiện lớn được tổ chức trong Thái Hòa Điện. Các hoàng đế sẽ tập dượt các nghi lễ ở đây trước kh đến Thiên Đàn để thực hiện các nghi thức chính thức.
Điện cuối cùng là Bảo Hoà Điện (Baohedian), được sử dụng để tổ chức tiệc chiêu đãi các vương công đại thần ngoại phiên và sau này là nơi tổ chức các kỳ thi của triều đình.
Bên cạnh đó, Ngoại Đình còn có nhiều công trình kiến trúc đẹp và quan trọng khác như Võ Anh Điện, Phương Lược Quán, Đoạn Hồng Kiều, Hồi tử học, Văn Hoa Điện, Loan Nghi Vệ,…
3. Nội Đình, Nơi ở của Hoàng đế và Gia đình
Vào thời nhà Thanh, các hoàng đế sống và làm việc chủ yếu ở Nội Đình. Bước ra khỏi Bảo Hoà Điện, bạn sẽ thấy một khối đá cẩm thạch khổng lồ được chạm khắc hình mây và rồng. Đi thẳng, và bạn sẽ thấy một cánh cổng khác, được gọi là Càn Thanh Môn (Qianqingmen). Đây là cổng chính dẫn vào khu Nội Đình.
Trung tâm của Nội Đình là bộ ba cung điện:
Đầu tiên là Càn Thanh Cung (Qianqinggong). Vào thời nhà Minh và đầu thời nhà Thanh đây là nơi ở của hoàng đế. Đến thời Ung Chính (1722 1735), Hoàng đế chuyển đến sống ở Dưỡng Tâm Điện. Còn Càn Thanh Cung trở thành nơi thiết triều của hoàng đế. Sau Càn Thanh Cung là Giao Thái Điện (Jiaotaidian), nơi cất giữ các ấn tín của hoàng gia.
Tiếp đến là Khôn Ninh Cung (Kunninggong). Vào thời nhà Minh, đây là nơi ở của hoàng hậu. Vào thời nhà Thanh, phần lớn Khôn Ninh Cung trở thành nơi thờ cúng của các pháp sư. Từ thời Ung Chính, Hoàng hậu không còn ở Khôn Ninh Cung nữa, thế nhưng có hai phòng ở Cung này được giữ lại để sử dụng trong đêm tân hôn của Hoàng đế.
Các cấu trúc quan trọng khác:
Điện Dưỡng Tâm (Yangxindian): Từ thời hoàng đế thứ ba của nhà Thanh là Ung Chính, tất cả các Hoàng đế còn lại của nhà Thanh, tổng cộng là 8 người, đều ở trong điện này.
Đông Lục Cung và Tây Lục Cung: ở hai bên của ba cung điện chính là nơi ở của các phi tần. Đây cũng là nơi nhiều hoàng đế nhà Thanh được sinh ra và lớn lên.
Ngự Hoa Viên nằm phía sau Khôn Ninh Cung. Đó là nơi để gia đình Hoàng đế nghỉ ngơi, thư giãn và đi dạo. Khu vườn mang đến sự thay đổi về mặt thẩm mỹ — từ khu phức hợp tòa nhà màu đỏ thẫm và màu xám sang một bầu không khí đầy sắc màu và tươi mát.
Xem thêm bản đồ cấu trúc Tử Cấm Thành.
Đặc trưng kiến trúc Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành nổi bật không chỉ bởi diện tích quá lớn mà còn bởi kiến trúc độc đáo. Dưới đây là năm đặc điểm chính.
1. Đối xứng trục và phương Nam-Bắc
Để thể hiện cho quyền lực tối cao của Hoàng đế, đồng thời thể hiện nơi ông sống là trung tâm của thế giới, tất cả các cổng và điện quan trọng của Tử Cấm Thành được bố trí đối xứng trên trục trung tâm bắc - nam của Bắc Kinh cũ.
Thiên đình được cho là Sao Bắc đẩu (Polaris), ngôi sao dường như đứng yên duy nhất trên bầu trời phía bắc, và cách bố trí của Tử Cấm Thành hướng du khách thẳng vào "Thiên đình".
2. Cấu trúc bằng gỗ không có đinh
Tử Cấm Thành là quần thể kiến trúc cổ bằng gỗ lớn nhất và hoàn thiện nhất trên thế giới. Các khung chính của tất cả các tòa nhà được xây dựng bằng dầm và cột gỗ chất lượng cao, bao gồm toàn bộ thân gỗ quý Trinh nam (Phoebe zhennan) từ các khu rừng nhiệt đới phía tây nam Trung Quốc.
Những người thợ mộc trong Tử Cấm Thành đã sử dụng các khớp và mộng lồng vào nhau để xây dựng nên các tòa cung điện vĩ đại một cách "hài hòa" mà không cần dùng đinh. Đinh bị coi là bạo lực và không hài hòa.
3. Màu sắc của Tử Cấm Thành dựa trên phong thủy
Màu sắc chủ đạo của Tử Cấm Thành là vàng và đỏ. Những mái nhà có màu vàng. Trong thuyết ngũ hành của Trung Quốc, màu vàng thuộc hành thổ và hướng của nó trong sơ đồ ngũ hành đại diện cho trung tâm, tượng trưng cho uy quyền tối cao của hoàng đế (trên Trái đất). Đồng thời dưới triều đại nhà Minh và nhà Thanh, màu vàng là biểu tượng của quyền lực tối cao và chỉ được sử dụng bởi gia đình hoàng gia.
Các bức tường và cây cột có màu đỏ. Màu đỏ tượng trưng cho lửa và lửa sinh ra đất, vì vậy hoàng gia tin rằng những cây cột màu đỏ sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc và sự hỗ trợ mạnh mẽ. Bên cạnh đó, màu đỏ cũng được coi là biểu tượng của sự may mắn và hạnh phúc trong văn hóa Trung Quốc.
Ngoài ra, một số tòa nhà được xây dựng với nhiều màu sắc khác nhau do mục đích sử dụng của chúng. Ví dụ, Văn Uyên Các (Wenyuan Pavilion), được sử dụng để lưu trữ sách, có gạch đen và tường đen. Vì màu đen tượng trưng cho nước và nước có thể khắc chế được lửa nên nó được coi là một cách dựa trên phong thủy để bảo quản các bộ sưu tập sách.
4. Tượng linh thú trên mái nhà
Có một hàng tượng linh thú được đặt dọc theo dãy cung điện quan trọng. Các linh thú thường là những con vật như rồng, phượng và sư tử, có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa Trung Quốc.
Điện Thái Hòa có 10 bức tượng nhỏ trên mái nhà - từ trái sang phải: Hành Thập (行什, chỉ có ở mái cung điện này, một vị thần khỉ chống sấm sét), rồng, phượng hoàng, sư tử, Hải Mã, Thiên Mã, Hiệp Ngư, Giải trãi (Haetae), Toan Nghê, Đấu Ngưu và Người cưỡi Phượng Tiên
Số lượng các tượng linh thú khác nhau dựa trên tầm quan trọng của các cung điện. Bạn có thể nhìn thấy 10 linh thú trên Điện Thái Hòa, nơi quan trọng nhất trong Tử Cấm Thành và bảy linh thú trên Khôn Ninh Cung, nơi ở của Hoàng hậu.
5. Sư tử đá hoặc đồng
Trong văn hóa Trung Quốc, sư tử là vua của các loài động vật, và được coi là biểu tượng của quyền lực và sức mạnh.
Sư tử bằng đá và bằng đồng được coi là thú bảo vệ phổ biến trong văn hóa Trung Quốc, do đó được đặt ở cổng của nhiều khu cung điện trong Tử Cấm Thành. Những tượng sư tử này luôn đi theo cặp, sư tử cái ở bên trái và sư tử đực ở bên phải.
Bộ sưu tập của Tử Cấm Thành
Bảo tàng Cung điện trong Tử Cấm Thành lưu giữ hơn một triệu tác phẩm nghệ thuật quý hiếm, chiếm 1/6 tổng số di tích văn hóa ở Trung Quốc.
Bộ sưu tập bao gồm gốm sứ, tranh vẽ, thư pháp, đồ đồng, đồng hồ, miếng ngọc bích, sách cổ và tài liệu lịch sử. Một số bộ sưu tập có giá trị bao gồm:
-Bức tranh “Thanh minh thượng hà đồ” - một kho báu vô giá nổi bật trong lịch sử hội họa Trung Quốc: hơn 500 nhân vật trong bức tranh, mỗi người mặc những kiểu trang phục khác nhau và tham gia vào các hoạt động kinh tế khác nhau.
-Chiếc cốc vàng “Kim Âu Vĩnh Cố” được chế tác dưới thời Càn Long, được các hoàng đế nhà Thanh coi là bảo vật quý giá của tổ tiên và thường được sử dụng vào dịp khai bút đầu năm.
-Bình gốm tráng men đỏ lò Lang (Lang Kiln), bình sứ tráng men đỏ quý hiếm được chế tác thủ công tinh xảo.
Tử Cấm Thành là điểm tham quan không thể bỏ qua đối với du khách khi đến du lịch Bắc Kinh. Được biết, trung bình hàng ngày có tới 80.000 lượt khách tham quan, do đó du khách nên đặt vé trước khi đến.
Theo chinahighlights