News and Offers

04.04.2023

Thăm quê hương gấu trúc

Từ năm 1961, khi được chọn làm biểu tượng của Quỹ quốc tế bào vệ thiên nhiên WWF, hình ảnh của loài gấu ú nu, với quầng đen quanh mắt dần trở nên quen thuộc với hầu hết mọi người. Sau đó, loài động vật dễ thương này tiếp tục được chọn là hình mẫu cho linh vật của Thế vận hội châu Á lần thứ 11 và Olympic Bắc Kinh 2008. Và đặc biệt là sau loạt phim Kungfu Panda đã lập kỷ lục phòng vé toàn cầu vào các năm 2008, 2011, 2016 thì gấu trúc càng trở nên phổ biến hơn. Vẻ ngoài dễ thương, lại khá quấn người, gấu trúc được hầu hết mọi người yêu quý và không muốn bỏ lỡ cơ hội được tận mắt thấy gấu trúc ngoài đời.

Tứ Xuyên được mệnh dang là quê hương gấu trúc

Được biết, khu vực sinh sống tự nhiên của gấu trúc gồm có Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc. Trong đó, Tứ Xuyên được mệnh danh là quê hương của gấu trúc với hơn 80% gấu trúc sống ở tỉnh này (kể cả ngoài tự nhiên lẫn được nuôi dưỡng). Từ những năm 1970, cứ 10 năm, Trung Quốc sẽ thực hiện các cuộc khảo sát số lượng gấu trúc. Theo khảo sát gần nhất vào năm 2013, thời điểm đó Trung Quốc có 1864 cá thể gấu trúc sống trong môi trường tự nhiên. Trong đó, 75% sống ở Tứ Xuyên, 25% ở Thiểm Tây và Cam Túc.

Một trong những nơi bảo tồn gấu trúc nổi tiếng thu hút đông du khách tại Tứ Xuyên là Cơ sở nghiên cứu nhân giống gấu trúc Thành Đô. Được thành lập vào năm 1987, ban đầu nơi đây chỉ có 6 cá thể gấu trúc được cứu từ môi trường tự nhiên. Sau đó số lượng đã tăng lên 195 cá thể, tuy nhiên chỉ có 95 cá thể đang sống tại đây, số khác đang được thuê hoặc mướn về nuôi bởi một số sở thú tại Trung Quốc hoặc sở thú tại các nước khác. Ước tính mỗi năm Cơ sở nghiên cứu nhân giống gấu trúc Thành Đô đón khoảng 3 triệu du khách tới tham quan.

Gấu trúc là loài động vật ăn tạp và thuộc bộ ăn thịt, nhưng thực tế đa phần chúng chỉ ăn tre và trúc. Một con gấu trúc dành khoảng 12 tiếng để ngủ, 10 tiếng để ăn và ăn hết khoảng 40kg tre trúc mỗi ngày. Gấu trúc trưởng thành nặng trung bình khoảng 120kg và có thể cao tới 150cm, thế nhưng lúc mới sinh chúng chỉ nặng khoảng 120g, dài từ 15-17cm và chưa có lông. Đến 9 tháng tuổi, gấu trúc bắt đầu ăn tre, trúc và bắt đầu sống tự lập từ 18 tháng tuổi. Tuổi thọ trung bình của gấu trúc là khoảng 20-30 năm, tùy điều kiện sống. Gấu trúc chịu lạnh tốt nhưng không giỏi chịu nóng, nếu nhiệt độ ngoài trời cao hơn 26 °C, gấu trúc sẽ được đưa vào phòng điều hòa cho mát.

Được mệnh danh là “Quốc bảo” và là biểu tượng của Trung Quốc, gấu trúc cũng xuất hiện ở các vườn thú lớn trên thế giới (thông qua các hình thức quà tặng của chính phủ, cho thuê, hợp tác nuôi dưỡng và bảo tồn,…). Những chú gấu trúc mũm mĩm được coi là sứ giả ngoại giao, là cầu nối gắn kết tình đoàn kết hữu nghị giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia. Đồng thời cũng mang lại nguồn thu thương mại lớn cho Trung Quốc nói chung và Tứ Xuyên nói riêng.

Tại Cơ sở nghiên cứu nhân giống gấu trúc Thành Đô, du khách tha hồ ngắm những chú gấu trúc dễ thương leo trèo ăn ngủ trong môi trường mô phỏng tự nhiên của chúng. Dù là lười nhác nằm ngửa tước nhai trúc, hay ngã lên ngã xuống khi leo trèo,… thì vẻ đáng yêu của gấu trúc cũng luôn “đốn tim” các du khách.

Bên cạnh hoạt động chăm sóc và bảo tồn cho gấu trúc, cơ sở rộng gần 4000m2 này còn đang bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng khác như gấu trúc đỏ, hạc cổ đen, hạc cổ trắng,… Nhằm tránh tối đa tiếng ồn ảnh hưởng đến các loài động vật, phương tiện đi lại chủ yếu trong Cơ sở này là xe điện, và xe cũng không được phép bấm còi mà chỉ được rung chuông nhẹ để báo hiệu ở các đoạn đông người.

Gấu trúc - Đại sứ văn hóa

Du khách tới Thành Đô cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những chú gấu trúc dễ thương ở bên ngoài các khu bảo tồn. Chúng xuất hiện thường xuyên trên các món đồ lưu niệm, các sản phẩm bánh kẹo, trên xe taxi hay xe bus. Ở sân bay Thành Đô, du khách còn có thể thấy hình vẽ những chú gấu trúc trên thân máy bay A350 nhiều màu sắc của Hãng hàng không Sichuan Airlines. Những chiếc máy bay đặc biệt này chuyên phục vụ cho đường bay Panda Route từ Thành Đô tới Bắc Kinh và ngược lại. Tiếp viên trên chuyến bay sẽ mặc trang phục có logo gấu trúc. Các món bánh, các món ăn được phục vụ trong suất ăn hay ghế ngồi, gối ôm trên chuyến bay đều được tạo hình hoặc in hình gấu trúc. Ngoài ra, tại Thành Đô còn có một chuyến tàu điện ngầm và một chuyến tàu hỏa cũng được thiết kế và lấy cảm hứng từ gấu trúc.

Ngoài Cơ sở nghiên cứu nhân giống gấu trúc Thành Đô, Tứ Xuyên còn có nhiều trung tâm bảo tồn gấu trúc khác như: Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ngọa Long, Cơ sở nghiên cứu Bích Phong (thuộc Nhã An), Thành cổ Gấu trúc (thuộc làng Fengtong, Baoxing), Khu bảo tồn thiên nhiên Đô Giang Yển,... Tại các địa điểm này du khách có thể tham gia những tour sinh thái tìm hiều về tập quán sinh sống của gấu trúc. Hoặc du khách có thể tham gia trải nghiệm “một ngày chăm sóc panda” tại Trung tâm gấu trúc Dujiangyan. “Một ngày chăm sóc panda” mang đến cho du khách cơ hội trở thành người chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh nơi ở của gấu trúc, chuẩn bị bữa ăn, hướng dẫn vận động và chơi với gấu trúc trong một ngày.

Nuôi dưỡng và nhân giống gấu trúc mang lại nguồn thu lớn cho Trung Quốc, do vậy dần hình thành một nghề nghiệp đặc thù với thu nhập cao là nghề chăm sóc gấu trúc. Mỗi năm có khoảng 500 nhân sự được tuyển dụng từ hàng ngàn hồ sơ ứng tuyển. Tuy không có yêu cầu gắt gao về bằng cấp mà chỉ cần ứng viên từ 22 tuổi trở lên, yêu động vật, kiên nhẫn, thích ôm ấp, có hiểu biết đôi chút về gấu trúc, có kỹ năng viết và chụp ảnh để báo cáo về tình trạng của các chú gấu mỗi tuần. Lương cho nhân viên chăm sóc gấu trúc mỗi năm khoảng 32.000 USD, được miễn phí ăn ở, được sử dụng ô tô SUV riêng và sau khi kết thúc hợp đồng có thể làm việc ở mọi cơ sở chăm sóc gấu trúc trên khắp thế giới. Với yêu cầu không quá khó và chế độ phúc lợi khá cao như vậy, có thể nói đây là công việc nhẹ lương cao đáng mơ ước. Tuy nhiên thực tế công việc lại khá bận rộn, yêu cầu trách nhiệm cao và nhiều thử thách nên thường ít có người gắn bó lâu dài, đa phàn chỉ làm một thời gian ngắn để trải nghiệm và tăng thu nhập.

Tóm lại, với nhiều chính sách bài bản đi kèm với nhiều nỗ lực, Trung Quốc đã thành công bảo tồn được loài gấu trúc từng trên bờ tuyệt chủng. Đồng thời, chính các chú gấu trúc dễ thương cũng đã góp phần vào sự phát triển của du lịch Trung Quốc nói chung cũng như của tỉnh Tứ Xuyên nói riêng. Chúng cũng góp phần giúp cho văn hóa Trung Quốc được biết đến sâu rộng hơn.