News and Offers

18.10.2022

ĐẾN TIỀN GIANG THĂM NHỮNG NGÔI NHÀ CỔ ẤN TƯỢNG

Xứ miệt vườn Tiền Giang vốn nổi tiếng với nhiều loài cây trái đặc sản miền sông nước nam bộ hay khung cảnh thiên nhiên bình dị hữu tình. Nhưng không chỉ có vậy, Tiền Giang còn có nhiều công trình kiến trúc cổ ấn tượng rất đáng để bạn đến thăm.

Nhà Đốc phủ Hải

Địa chỉ: 49 Hai Bà Trưng, Phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Ngôi nhà có kiến trúc hình chữ Đinh do bà Trần Thị Sanh con của Bá hộ Trần Văn Đồ xây cất, sau đó do vợ chồng con gái trông coi. Rồi để lại cho cháu gái ngoại là Huỳnh Thị Diệu và chồng là Nguyễn Văn Hải làm chức Đốc phủ sứ, nên có tên là nhà Đốc phủ Hải. Qua nhiều lần tu bổ và xây dựng, ngôi nhà hiện nay có ba phần: nhà chính, hai nhà phụ và kho đựng thóc.

Ngôi nhà này có sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc phương Tây và kiến trúc Việt truyền thống. Tiền sảnh là các vòm cửa hình vòng cung có hoa văn chạm khắc nổi mang đậm phong cách châu Âu. Vậy nhưng bên trong ngôi nhà thì lại sử dụng kết cấu và đồ nội thất bằng gỗ rất tinh xảo.

Ngôi nhà được được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994. Đồng thời đây cũng là 1 trong chuỗi 3 di tích nổi tiếng liên quan mật thiết nhau nên tham quan khi bạn có dịp tới Tiền Giang là lăng Hoàng Gia, mộ và đền thờ Trương Định cùng tòa nhà Đốc Phủ Hải.

Dinh tỉnh trưởng Gò Công

Địa chỉ: Nằm trên đường Nguyễn Văn Côn, phường 2, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Là một trong những dinh thự đồ sộ đầu tiên được người Pháp xây dựng tại Nam Kỳ, dinh tỉnh trưởng gồm có hai tầng, nằm trong một khuôn viên rộng rãi có nhiều cây xanh. Đây cũng là trụ sở cơ quan công quyền lớn nhất ở Gò Công, có giá trị kiến trúc và lịch sử không thấp thế nhưng dinh thự đã bị bỏ hoang nhiều năm và bị xuống cấp tương đối nghiêm trọng.

Bất chấp vẻ tiêu điều, dinh thự vẫn giữ được nét kiến trúc đậm nét phương Tây gợi nhớ về hình ảnh xa hoa cổ điển lúc xưa. Được xây dựng vào năm 1885, mãi tới gần đây dinh thự này mới được chú ý nhiều hơn nhờ có nhiều bạn trẻ tới tham quan, check-in. Đặc biệt, nơi đây có nhiều góc cảnh nên thơ, lên hình rất đẹp nên càng được ưa chuộng.

Nhà Bạch công tử

Địa chỉ: 62 Đinh Bộ Lĩnh, phường 3, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Vùng đất Nam Kỳ xưa, hẳn không ai không biết tới bạch công tử và hắc công tử, những ông hoàng giàu có, ăn chơi khét tiếng vào những năm đầu thế kỷ 20.

Nhà Bạch công tử Lê Công Phước được xây dựng vào năm 1925-1926 trên một khu đất rộng hơn 4.000m2. Từng có thời du học ở Pháp nên ngôi nhà của Bạch công tử ảnh hưởng rất nhiều kiến trúc phương Tây. Sử dụng các vật liệu quý và đắt đỏ để xây dựng nên ngôi nhà mang vẻ xa xỉ khó bì.

Giai đoạn sa sút ông đã dần bán hết các vật dụng và cả ngôi nhà. Sau này khi nhà Bạch Công tử được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh thì đã được phục dựng lại một phần dáng vẻ ban đầu. Ngày nay, nơi đây là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách đến ghé thăm.

Lăng mộ Hoàng Gia Gò Công

Địa chỉ: Nằm tại Giồng Sơn Quy (Gò Rùa), ngày nay thuộc ấp Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Lăng mộ Hoàng Gia là khu lăng mộ và nơi thờ tự của dòng họ Phạm Đăng, có ông Phạm Đăng Hưng là ông ngoại Vua Tự Đức, thân sinh bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị. Toàn bộ khu lăng mộ nằm trọn trong khuôn viên mát mẻ, có nhiều cây cổ thụ và hoa lá cảnh vật bao bọc theo kiểu không gian nhà vườn xứ Huế. 

Lăng bao gồm phần mộ và từ đường. Trong đó, nhà từ đường được xây dựng vững chắc và thiết kế sắc sảo bởi các loại gỗ quý. Đặc biệt hơn các cột kèo ở đây không hề dùng đinh để gắn kết mà đều được đục mộng tra khớp vào nhau một cách khéo léo.

Cổng lăng được xây theo lối tam quan cách điệu, trên mái lợp ngói lưu ly, đỉnh chạm trổ hình ảnh “lý ngư vọng nguyệt” (cá chép trông trăng) thể hiện cho sự thanh cao của chủ nhân.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp

Địa chỉ: Thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nằm ở hạ lưu sông Cửu Long.

Vào giai đoạn 1732 -1757, dưới thời Chúa Nguyễn, làng Đông Hòa Hiệp là nơi sinh sống của nhiều vị quan lại và địa chủ. Do vậy mà hiện nay nơi đây vẫn còn nhiều căn nhà cổ được dựng bằng các loại gỗ quý, tuổi đời hơn 150 tuổi. Ngoài làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội và làng cổ Phước Tích ở Huế, làng cổ Đông Hòa Hiệp cũng là một trong 3 ngôi làng cổ ở Việt Nam đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để thực hiện Dự án “Hỗ trợ Phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam, thông qua du lịch di sản”.

Nằm ẩn mình bên dòng sông, những ngôi nhà cổ của làng Đông Hòa Hiệp nằm gần nhau trong vòng bán kính khoảng 2km, dễ dàng để du khách đi bộ tham quan quanh làng. Con đường bao quanh làng rợp bóng cây xanh, có hoa hoa cỏ, rau trái tạo nên một khung cảnh yên bình, mát mẻ, đậm hồn quê nam bộ.

Hiện nay làng cổ Đông Hòa Hiệp có 7 ngôi nhà cổ được xây dựng cách nay từ 150 năm đến 220 năm và 29 ngôi nhà được xây dựng cách nay từ 80 – 100 năm. Mỗi ngôi nhà lại có kiến trúc riêng biệt mang đậm dấu ấn của chủ nhân. Năm 2017, làng cổ Đông Hòa Hiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia.

Nguồn: Sưu tầm