News and Offers
Du lịch miền Tây mùa nước nổi
Mùa nước nổi hay còn gọi là mùa nước lũ ở miền Tây không dữ dội và gây nhiều thiệt hại như lũ lụt ở miền Bắc và miền Trung. Ngược lại, con lũ tự nhiên hằng năm này được người dân ở đồng bằng sông Cửu Long vui mừng đón chờ vì nguồn nước dồi dào giúp rửa mặn ruộng đồng, nhấn chìm các nguồn sâu bệnh với cây trồng, cung cấp một lượng phù sa màu mỡ cho thổ nhưỡng và nguồn thủy sản phong phú cho toàn bộ vùng đồng bằng.
Mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long thường rơi vào khoảng cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tùy theo năm và kéo dài đến tận tháng 11. Đây cũng chính là mùa du lịch đẹp nhất ở miền Tây với những đàn chim từ khắp nơi bay về làm tổ, những rặng rừng tràm xanh mướt phủ đầy cánh bèo và những đồng bông sen, bông súng nở rộ khắp nơi. Hãy cùng Pegas Travel ghé thăm những địa điểm đẹp nhất “mùa nước nổi” ở miền Tây sông nước này nhé!
1. Rừng Tràm Trà Sư
Rừng Tràm Trà Sư cách TPHCM khoảng 250km, là địa điểm tham quan thú vị và hấp dẫn nhất tại An Giang. Đến với Trà Sư mùa nước nổi, bạn sẽ được ngắm nhìn khu rừng ngập mặn đặc trưng của Tây Nam Bộ và tận hưởng khung cảnh yên bình, thư thái giữa những hàng cây tràm nội. Nương theo chiếc thuyền nhỏ, mái chèo rẽ con nước đưa bạn vào sâu trong rừng tràm, nơi những cánh bèo tấm li ti phủ kín mặt nước một màu xanh ngắt. Đừng quên trên thuyền còn có cả nón lá để bạn có thể chụp hình và tránh những quả “bom” rơi vô tình hữu ý của những chú chim Trà Sư nhé!
Ngoài vẻ đẹp tự nhiên vốn có, Rừng Tràm Trà Sư đã đón chào một công trình mới khiến cho du khách phải mê mẩn khi tới đây. Thay vì đi thuyền vào rừng, bây giờ bạn có thể lựa chọn đi bộ trên chiếc cầu gỗ mộc mạc mới này để thưởng thức khung cảnh yên ả của rừng Trà Sư và dễ dàng có một tấm ảnh xịn dù đứng ở bất cứ đâu.
2. Búng Bình Thiên
Cũng thuộc địa phận tỉnh An Giang, Búng Bình Thiên hay còn gọi là Hồ Nước Trời, là hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây. Bạn có thể ghé thăm Búng Bình Thiên bất kì mùa nào trong năm nhưng đẹp nhất chính là mùa nước nổi. Con nước dâng khiến cho mặt hồ mở rộng tạo thành một vùng trời nước bao la, trong vắt với lượng thủy sản phong phú đổ về từ thượng nguồn. Búng Bình Thiên cũng là vùng có nhiều cá đồng bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long. Đến đây, bạn có thể tham gia hoạt động sinh kế của người dân như giăng lưới bắt cá, bắt ếch và tự tay hái hoa điên điển cho món canh chua cá linh điên điển trứ danh.
3. Cánh đồng Tà Pạ
Mùa nước nổi tháng 9 đến tháng 11 ở An Giang cũng mùa lúa đổ vàng trên những cánh đồng ở Tà Pạ (Tri Tôn, An Giang). Vẻ đẹp yên ả của của miền quê Tây Nam Bộ ẩn hiện dưới những ngọn cây thốt nốt cao vút cùng mùi lúa chín thơm nồng sẽ khiến bạn say đắm quên lối về. Đừng bỏ qua việc leo lên đỉnh núi Tà Pạ để ngắm mặt hồ Tà Pạ xanh phẳng lặng và phóng tầm mắt xuống cánh đồng bạt ngàn dưới nhé.
4. Vườn quốc gia Tràm Chim
Chỉ cách TPHCM 150km, Đồng Tháp nổi tiếng với vườn quốc gia Tràm Chim với vô số loài chim tiêu biểu của Việt Nam. Mùa nước nổi là mùa đẹp nhất ở vườn quốc gia Tràm Chim. Khung cảnh mênh mông sóng nước, cây cỏ sinh sôi nảy nở, tô điểm thêm một vài sắc hồng của bông sen, bông súng bừng nở. Mùa nước nổi cũng chính là lúc các loài chim từ khắp nơi về tụ họp, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh các loài chim bay lượn, cất tiếng gọi bầy và vô vàn các loài sinh vật đa dạng của miền Tây sông nước. Đi du lịch Tràm Chim mùa này, bạn sẽ được trải nghiệm những hoạt động thú vị như: chèo xuồng ba lá, giăng lưới, câu cá Tràm Chim Tam Nông và đặc biệt được thử tài bắt chuột đồng, đặc sản của vùng đồng bằng.
Đi du lịch miền Tây thì bạn không thể nào bỏ qua những món ăn ngon nức tiếng người phương xa của vùng sông nước này, đặc biệt là vào mùa nước nổi khi các sản vật vô cùng đa dạng và phong phú.
Canh chua cá linh bông điên điển
“Cặp bài trùng” cá linh – bông điên điển là một sự kết hợp không thể thiếu cho món canh chua mùa nước nổi ở miền Tây. Vị ngọt của cá, chua nhẹ của me, thơm giòn và hơi nhẫn của bông điên điển hòa quyện với nhau làm nên vị ngon trứ danh của món canh chua xứ này.
Cá lóc nướng trui
Mùa nước nổi, đàn cá từ thượng nguồn bơi về, những con cá lóc mập ú được bắt từ ngoài ruộng chính là một phần không thể thiếu trong thực đơn của người miền Tây. Ăn một miếng cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, kèm với một ít bún tươi, rau thơm, khế chua, chuối chát… chấm ngập trong chén nước mắm me chua – cay – mặn – ngọt, dường như cả đất trời và tình người nơi đây thấm nhuần trong từng giác quan.
Bông súng mắm kho
Bông súng có lẽ đã quá thân thuộc với hình ảnh của xứ Tây Nam Bộ. Mỗi mùa nước nổi về, bông súng lên nhanh và nở tím đồng, người dân bắt đầu thu hoạch về ăn hoặc đem bán. Món “bông súng mắm kho” đã gắn bó với biết bao thế hệ người dân miền Tây. Cái giòn giòn của bông súng, mùi thơm của mắm ngào ngạt, vị béo béo của thịt ba rọi, ngòn ngọt của tép đồng và mùi the the của sả, cay cay của ớt tạo nên một món ăn bình dân mà khiến người đi nhớ mãi.
Hãy đến với miền Tây mùa nước nổi để ngắm nhìn cảnh sắc yên bình, thưởng thức những món ăn đậm đà và đón nhận tình người thấm đượm hồn quê Việt Nam.