News and Offers

24.02.2023

Top bảo tàng đáng ghé tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng được xây dựng vào từ năm 1885-1890 theo phong cách Phục hưng do kiến trúc sư người Pháp Foulhoux thiết kế. Ban đầu công trình có tên là Bảo tàng Thương mại, chuyên trưng bày các sản vật của xứ Nam kỳ. Trải qua nhiều biến cố, tòa nhà từng được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. TP.HCM quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng TP.HCM. Đến năm 1999, tòa nhà được đổi tên thành Bảo tàng TP.HCM cho đến nay.

Kiến trúc của Bảo tàng là sự kết hợp giữa nét phương Tây và châu Á. Mặt tiền có chạm khắc khuôn mặt nữ thần Athena (La Mã: Minerva), nữ thần trí tuệ, nghề thủ công và chiến tranh. Ngoài ra còn có các chi tiết trang trí khác như thân biển Poseidon, thần Hermes, nhánh ôliu, chim cú kết hợp với các hình tượng bản địa như phù điêu cá chép hóa rồng,… Bảo tàng hiện có các hiện vật phác thảo lịch sử của Thành phố và trở thành địa điểm chụp ảnh yêu thích của giới trẻ.

Địa chỉ: 65 Lý Tự Trọng, Quận 1

Mở cửa: 8h00 – 17h00, Thứ 2 – Chủ nhật (kể cả ngày Lễ, Tết).

Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng trước đây là một dinh thự được xây dựng vào năm 1920 theo phong cách phương Tây. Ngày nay, Bảo tàng là một trong những bảo tàng mỹ thuật lớn nhất Việt Nam có 4 tầng với hơn 20.000 hiện vật. Khu trưng bày trong nhà rộng 2.892m2 và ngoài trời rộng 1.623m2. Với kiến trúc tân cổ điển của Pháp cùng các điểm ấn tượng như cầu thang xoắn, nền gạch, cửa kính màu,… bảo tàng cũng nằm trong list những điểm chụp ảnh yêu thích của các bạn trẻ.

Tầng đầu tiên dành cho các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ trong và ngoài nước. Tầng hai bao gồm phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật có giá trị về điêu khắc và hội họa. Tầng thứ ba trưng bày bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10 bao gồm các di tích Chămpa và Óc Eo, đồ cổ Việt Nam, đồ thủ công mỹ nghệ và phần còn lại của các bộ sưu tập nghệ thuật châu Âu tại Việt Nam trong thế kỷ 18 - 20.

Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố hiện đang lưu trữ Bức họa sơn mài khổ lớn Vườn Xuân Trung Bắc Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí, được coi là báu vật quốc gia thuộc sở hữu của bảo tàng. Vào năm 1991, bức tranh này đã gây tiếng vang lớn khi được định giá 100.000 USD.

Địa chỉ: 97A Phó Đức Chính, Quận 1

Mở cửa: 9h00 – 17h00, Thứ Ba – Chủ nhật (kể cả ngày Lễ, Tết)

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Bảo tàng là bảo tàng chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản và trưng bày tài liệu, hình ảnh, hiện vật về hậu quả tàn khốc mà chiến tranh gây ra cho Việt Nam. Kể từ khi mở cửa cho công chúng tham quan vào năm 1975, Bảo tàng đã lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và video làm bằng chứng lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Bảo tàng hiện có 9 chuyên đề trưng bày thường xuyên, nhiều triển lãm ngắn ngày và triển lãm lưu động, tổ chức đón tiếp, gặp gỡ, giao lưu giữa công chúng với các nhân chứng chiến tranh. Một trong những điểm tham quan nổi bật tại Bảo tàng là “Chuồng cọp”, mô phỏng lại hình thức giam giữ tại nhà tù Côn Đảo. Đây được coi là hình thức giam giữ và tra tấn khung khiếp nhất của quân đội Mỹ với những tù nhân yêu nước. “Chuồng cọp” là những phòng giam chỉ rộng khoảng 5m2, không có giường, không có cửa sổ, ẩm thấp, u tối,…

Tham quan Bảo tàng có thể coi là một cách để chia sẻ nỗi đau mất mát mà các nạn nhân chiến tranh đang phải gánh chịu. Đồng thời thấy được khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.

Địa chỉ: 28 Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3

Mở cửa: 7h30 – 17h00, Thứ Hai – Chủ nhật (kể cả ngày Lễ, Tết)

Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh

Được xây dựng trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào năm 1929, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh lưu giữ một bộ sưu tập lớn gồm hơn 37.000 hiện vật phản ánh lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử đến thời Pháp đô hộ Việt Nam. Bảo tàng trưng bày một số cổ vật của nhiều nền văn hóa khác nhau như điêu khắc Chăm, văn hóa Óc Eo, văn hóa cổ đồng bằng sông Cửu Long, văn hóa các dân tộc Việt Nam và văn hóa một số nước châu Á.

Đặc biệt, Bảo tàng còn lưu giữ các bảo vật quốc gia gồm: ấn của nhà Lê được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1471 tìm thấy tại tỉnh Quảng Nam; 13 vũ khí cổ được sản xuất vào năm 1839 vào thời Minh Mạng; ấn ngà “Hoàng đế Tôn Thần Chi Bảo” của nhà Nguyễn; tượng thần Shiva bằng đá và tượng Kosa bằng vàng, cả hai tượng đều được tạo tác vào thế kỷ 13 và chịu ảnh hưởng của văn hóa Chămpa.

Ngoài các phòng trưng bày, Bảo tàng còn có một khu vực rộng lớn để bảo quản vô số hiện vật các loại.

Địa chỉ: 02 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1

Mở cửa: 8h00 – 11h30 & 13h30 – 17h00, Thứ Ba – Chủ nhật (kể cả ngày Lễ, Tết Nguyên Đán)

Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Tp.HCM

Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh đặt tại tòa nhà trước đây từng là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng đế. Tòa nhà được xây dựng vào năm 1862-1863, với kiến trúc Tây phương nhưng trên nóc nhà lại có một cặp rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ “Lưỡng long chầu nguyệt” quen thuộc của đình chùa Việt Nam. Với kiến trúc đó, tòa nhà này còn được gọi là Nhà Rồng và bến cảng cũng mang tên Bến cảng Nhà Rồng.

Ở đây, vào ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Việt Nam Nguyễn Tất Thành (tên khai sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) bắt đầu cuộc hành trình hơn 30 năm rong ruổi khắp thế giới để tìm câu trả lời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Bảo tàng hiện trưng bày các tài liệu, hiện vật, hình ảnh về tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Địa chỉ: 01 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4

Mở cửa: 7h30 – 11h30 & 13h30 – 17h00, Thứ 3 – Chủ nhật (kể cả ngày Lễ, Tết)

Bảo tàng Y học Cổ truyền Việt Nam (Fito Museum)

Bảo tàng được xây dựng từ năm 2003, đưa vào sử dụng năm 2007 với quy mô 6 tầng và 18 phòng hoàn toàn bằng gỗ trên tổng diện tích gần 600m2. Là bảo tàng đầu tiên về y học cổ truyền tại Việt Nam, Bảo tàng Fito trưng bày gần 3.000 hiện vật phản ánh nền y học cổ truyền Việt Nam từ thời kỳ đồ đá đến nay. Tại Bảo tàng, du khách có thể biết thêm về quy trình bào chế thuốc cổ truyền thông qua các dụng cụ điều chế thuốc và các vật dụng dùng để bán thuốc như cân, tủ thuốc, bảng quảng cáo, khuôn mẫu và đồ gốm sứ – bầu rượu, ấm trà, sắc thuốc, bát, vv… Qua đó, người xem có thể hình dung được tất cả các hoạt động khám, trị bệnh, bốc thuốc, sắc thuốc,… theo Đông y từ xa xưa đến nay.

Địa chỉ: 41 Hoàng Dư Khương, Phường 12, Quận 10

Mở cửa: 8h30 – 17h00, Thứ Hai – Chủ nhật

Bảo tàng Áo dài

Bảo tàng Áo dài được khởi xướng và xây dựng từ ý tưởng của họa sĩ, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, sau 12 năm nghiên cứu và sưu tầm hiện vật. Đây là một trong hai bảo tàng tư nhân trực thuộc nhóm bảo tàng chuyên đề của Sở Văn hóa - Thể Thao TP.HCM.

Bảo tàng có diện tích 2.000m2, tọa lạc trên cù lao Phường Long Phước, Tp.Thủ Đức. Kiến trúc Bảo tàng là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách nhà rường Quảng Nam với dấu ấn truyền thống đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ.

Những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về áo dài Việt Nam tại đây đã được các nghệ nhân đến từ làng mộc Kim Bồng nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày và lưu giữ. Đến thăm Bảo tàng, du khách sẽ được chứng kiến sự thay đổi của áo dài Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Bảo tàng còn trưng bày hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực quân sự, ngoại giao, xã hội, văn hóa, giáo dục, thương mại và nghệ thuật.

Bên cạnh không gian trưng bày về Áo dài, Bảo tàng còn có những không gian trưng bày chuyên đề “Áo dài di sản văn hóa”, “Gốm Bàu Trúc”… Đặc biệt, Bảo tàng chú trọng giới thiệu các Áo dài gắn với các Di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh: Quan họ, Ví giặm, Đờn ca tài tử,vv… Ngoài ra, tại đây còn có những không gian phù hợp cho các hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm liên quan.

Địa chỉ: 206/19/30 Long Thuận, Phường Long Phước, Quận 9

Mở cửa: 9:00 – 17:00, Thứ Ba – Chủ nhật (kể cả ngày Lễ, Tết)

Ngoài các bảo tàng trên, du khách cũng có thể ghé thăm một số bảo tàng thú vị khác ở Thành phố Hồ Chí Minh như Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng 3D,vv…