News and Offers

13.04.2023

Lịch Sử Hoàng Gia Thái Lan

Cùng với Brunei, Campuchia, Malaysia, Thái Lan là một trong bốn quốc gia ở Đông Nam Á có vua là nguyên thủ quốc gia. Dù là quốc gia theo thể chế Quân chủ lập hiến, tuy nhiên hiện tại vua Thái Lan vẫn có tiếng nói quan trọng trong nên chính trị xứ chùa vàng. Đơn cử như dù không có quyền lập pháp, nhưng bất cứ sự thay đổi lớn nào về pháp luật tại Thái Lan nếu muốn được thông qua thì phải có chữ ký của nhà vua. Bên cạnh đó, luật pháp Thái Lan cũng không cho phép chỉ trích hay nói xấu vua và người của hoàng tộc dù dưới bất kỳ hình thức nào. Vậy hoàng gia Thái Lan hiện tại, tức triều đại Chakri được hình thành như thế nào, cùng tìm hiểu với Pegas Viet Nam Travel qua bài viết này nhé.

Lịch sử Hoàng gia Thái Lan Triều đại Chakri

Thành lập triều đại Chakri

Năm 1782, người cai trị Thái Lan lúc đó là Taksin Đại đế, vị vua duy nhất của Vương quốc Thonburi. Dưới thời vua Taksin, thủ đô của vương quốc được đặt tại Thonburi, nằm ở bờ tây sông Chao Phraya. Sau một cuộc đảo chính, vua Taksin bị phế truất và tướng Phra Phutthayotfa Chulalok đã lên nắm quyền, lấy hiệu là Rama I (Phật vương), thành lập Triều đại Chakri. Ngày nay Thái Lan vẫn đang nằm dưới sự cai trị của Triều đại này. Sau khi nắm quyền kiểm soát Xiêm La (Siam), Rama I lập tức dời đô đến bờ đông sông Chao Phraya, khu vực mà sau này đã phát triển thành Bangkok.

Dưới triều đại Chakri non trẻ, Xiêm La ngày càng hùng mạnh. Quân Xiêm nhiều lần đẩy lùi các cuộc tấn công của người Miến Điện. Đồng thời vua Rama I cũng đã vài lần phái quân chinh phạt Campuchia, Lào và hỗ trợ chúa Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn.

Nếu Rama I chịu trách nhiệm củng cố vương quốc Xiêm, thì Rama II là người đẩy mạnh phát triển văn hóa của đất nước. Bản thân vua là một nhà thơ sắc sảo, ông cũng trọng dụng tài năng của Sunthorn Phu, nhà thơ nổi tiếng nhất Thái Lan, từng được UNESCO vinh danh là nhà thơ lớn thế giới vào năm 1986, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông.

Rama II đã dành nhiều nỗ lực để tạo lập và phát triển văn hóa Thái Lan. Ông cho dịch nhiều kinh Phật sang tiếng Thái, hạ lệnh xây dựng nhiều ngôi chùa và quy định một số ngày lễ linh thiêng. Sau khi Rama II qua đời, con trai ông là Nangklao - sau này là Rama III - lên làm vua.

Dưới sự trị vì của Rama III, Thái Lan đã chiến đấu chống lại Lào, Việt Nam và Campuchia, đồng thời tăng cường ảnh hưởng đối với các nước trong khu vực. Cũng trong thời gian trị vì của mình, vua Rama III nhận ra mối đe dọa của các nước thực dân phương Tây. Do vậy ông đã chủ trương ký kết những hiệp ước hòa bình với các cường quốc thực dân phương Tây để tránh kết cục bị xâm lược và đô hộ như các quốc gia láng giềng.

Lịch sử Hoàng gia Thái Lan Triều đại Chakri

Giữ nền độc lập

Năm 1851, sau khi vua Rama III băng hà, vua Mongkut (Rama IV) lên ngôi kế vị anh trai. Sau khi đăng quang, nhận thức được sự đe dọa của đế quốc Anh và Pháp, vua Mongkut đã thực hiện nhiều chính sách cải cách, từ trang phục cho đến hệ thống giáo dục. Ông cũng đảy mạnh hiện đại hóa vương quốc của mình, do vậy được mệnh danh là “Cha đẻ của Khoa học và Công nghệ”. Ông cũng tiếp tục ký kết các hiệp ước khác với Anh. Dù các điều khoản là bất bình đẳng nhưng đã giúp Thái Lan giữ được độc lập trong bối cảnh rối rắm bấy giờ.

Chulalongkorn (Rama V) lên nắm quyền vào năm 1868, và có lẽ là vị vua có đóng góp lớn nhất trong việc giữ cho Thái Lan được độc lập. Để củng cố quyền lực ông thành lập quân đội chính quy và loại bỏ bớt quyền lực của giới tinh hoa địa phương. Những chính sách này không chỉ mang lại cho ông một vị thế vững chắc hơn so với những vị vua tiền nhiệm mà còn giúp Thái Lan trở nên mạnh hơn trước sự tấn công của các cường quốc thực dân. Tiếp nối vua Mongkut, Rama V tiếp tục hiện đại hóa Thái Lan, bãi bỏ chế độ nô lệ và mại dâm. Mặc dù nhượng đất cho người Pháp sau Chiến tranh Pháp-Xiêm năm 1893, và kế đến là người Anh trong hiệp ước Anh-Xiêm năm 1909, tài ngoại giao và lãnh đạo của Rama V đã đảm bảo nền độc lập của Thái Lan, và cho đến ngày nay, nhiều người Thái vẫn tự hào rằng đất nước họ chưa từng là thuộc địa của thực dân.

Lịch sử Hoàng gia Thái Lan Triều đại Chakri

Chế độ quân chủ trong Thế chiến

Có sự khách biệt trong việc Thái Lan tham chiến trong Thế chiến thứ nhất (WWI) và Thế chiến thứ hai (WWI). Vua Vajiravudh (Rama VI) lên ngôi vào năm 1910, đồng thời tạo lập một ý thức hệ mạnh mẽ về chủ nghĩa dân tộc Thái Lan, ông tuyên chiến với Đức và Áo-Hungary. Những người lính Thái Lan đã đến châu Âu để tham chiến, và điều đó có nghĩa là Thái Lan đã có một ghế trong bàn đàm phán sau chiến tranh.

Sau thời đại của Rama VI, vương triều Chakri có vị vua thoái vị đầu tiên, Prajadhipok tức vua Rama VII. Dưới thời ông trị vì, Thái Lan đã trải qua biến động chính trị lớn. Một cuộc đảo chính đã chuyển đổi đất nước này từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ quân chủ lập hiến. Dù là một người ủng hộ chế độ mới này, nhưng Rama VII cảm thấy việc tiến tới dân chủ vào năm 1932 là quá sớm và cảm thấy vị trí của mình không có nhiều tiếng nói cũng như không được đảm bảo an toàn; ông đã thoái vị vào năm 1935. Ông cũng là vị vua duy nhất từng thoái vị trong lịch sử Thái Lan tính tới thời điểm này.

Khi Rama VII đã thoái vị và vẫn đang ở Anh, Ananda Mahidol, chín tuổi, trở thành Rama VIII, mặc dù vị vương tử này thời điểm đó vẫn đang sống ở Thụy Sĩ. Vì vậy, đất nước được điều hành bởi Thủ tướng Phibun và quyền nhiếp chính là Pridi Banomyong. Dưới sự giám sát của hai vị này, Thái Lan bị chiếm đóng và thành lập liên minh với Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, tuyên chiến với quân Đồng minh. Tuy nhiên nhờ phong trào kháng chiến Seri Thai (Người Thái tự do) của Thái Lan chống lại Nhật Bản mà Thái Lan không bị coi là phe đối địch trong các cuộc đàm phán sau chiến tranh.

Thời kì hiện đại

Sau khi chiến tranh kết thúc, Rama VIII từ Thụy Sĩ trở về Thái Lan vào năm 1945 để cai trị, nhưng chỉ sau sáu tháng ông được phát hiện bị bắn chết trên giường. Em trai ông là Bhumibol Adulyadej, hay Rama IX, trở thành vị vua thứ chín của triều đại Chakri, cai trị trong 70 năm. Sự cai trị của Rama IX đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính diễn ra, qua nhiều đời Thủ tướng và tình trạng bất ổn liên miên ở miền nam đất nước, nhưng ông vẫn được mọi người yêu mến.

Vua Rama IX đã nỗ lực để cải thiện cuộc sống của những người nghèo ở các vùng nông thôn. Bên cạnh đó tình yêu âm nhạc và nghệ thuật đã mang đến cho ông một nét riêng và gần gũi. Sự ra đi của Rama IX đã khiến hàng nghìn người tụ tập trước bệnh viện của ông và trên các đường phố ở Bangkok để tỏ lòng thành kính, và cả nước đã trải qua một thời gian dài để tang. Con trai của ông, Vajiralongkorn (Rama X), đã đăng quang vào tháng 5 năm 2019, và vẫn còn phải xem liệu ông có thể tạo ra tác động tương tự hoặc chiếm được cảm tình của người dân Thái Lan theo cách mà cha ông đã làm hay không.  

Lịch sử Hoàng gia Thái Lan Triều đại Chakri Lịch sử Hoàng gia Thái Lan Triều đại Chakri

Nguồn: theculturetrip