News and Offers
Khám phá Tùng Phan, một thị trấn thú vị của Tứ Xuyên
Phố cổ Tùng Phan (Songpan), nằm ở thị trấn Tùng Phan, Jin'an, cách Thành Đô (thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên) gần 322 km. Trong qua khứ, Tùng Phan được gọi là Tùng Châu (Songzhou) và được coi là “Cổng phía Tây của Tứ Xuyên”. Do vị trí thuận lợi về mặt địa lý, thị trấn Tùng Phan đóng vai trò như một căn cứ quân sự từ thời nhà Đường (618-907). Gần đây nơi này còn nổi tiếng là một trong những thị trấn lịch sử thú vị nhất ở tỉnh Tứ Xuyên.
Tường thành cổ vững chãi
Bước chân vào phố cổ Tùng Phan, du khách sẽ ngay lập tức bị ấn tượng bởi những công trình kiến trúc đồ sộ và cổ kính trước mắt. Được tạo dựng từ thời nhà Đường, sau đó được xây dựng lại vào thời nhà Minh (1368-1644), và dù đã trải qua nhiều thế kỷ biến động nhưng các cổng thành và tường thành ở đây đều được bảo tồn khá tốt.
Toàn bộ Phố cổ Tùng Phan bao gồm cả nội và ngoại thành. Trong nội thành có năm cổng thành quay về hướng bắc, nam, đông, tây và tây nam. Cổng phía Đông được gọi là Cổng Cẩn Dương (Jinyang), Cổng Nam Diên Huân (Yanxun), Cổng Uy Viễn (Weiyuan) phía Tây và Cổng Trấn Khương phía Bắc. Cổng hướng về tây nam có tên là Tiểu Tây Môn. Phía ngoài thành còn có hai cổng thành. Cổng nằm ở phía đông và quay mặt về phía tây được gọi là Cổng Lâm Giang (Linjiang) và cổng còn lại nằm ở phía nam và quay mặt về phía bắc được gọi là Cổng Phụ Thanh (Fuqing). Mỗi cổng được xây dựng từ những phiến đá lớn, với lối vào có đỉnh hình bán nguyệt và phần đá ở nền móng chân cổng được chạm khắc tinh xảo.
Được xây dựng từ những viên gạch xanh khổng lồ, mỗi viên dài 50.8cm, rộng 25.4cm và dày 12.7cm, tường thành dài khoảng 6437.4m và cao hơn 10m, bao quanh một diện tích khoảng 23,31 km². Được biết những viên gạch khổng lồ này được làm từ gạo nếp, vôi và dầu gỗ Trung Quốc, mỗi viên nặng 30 kg, đảm bảo độ chắc chắn của bức tường thành. Bức tường cũng là một trong những di tích tường thành cổ giữ được hiện trạng tốt nhất ở Trung Quốc.
Đứng trên tường thành vững chãi này, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh ngoạn mục của toàn bộ thành phố cổ với phong cảnh núi non bao quanh và dòng sông trong vắt chảy qua thị trấn. Dọc theo bờ sông là những ngôi nhà tre cổ kính. Tất cả tạo nên khung cảnh nên thơ và thú vị. Lúc này hẳn du khách sẽ muốn được nghe những câu chuyện lịch sử hấp dẫn gắn liền với nơi đây.
Lịch sử, văn hóa thú vị
Vào thời nhà Đường, vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsan Gambo) của Vương quốc Thổ Phồn (Tubo Kingdom), một tên gọi khác của Tây Tạng, đã cử sứ thần đến Trường An (kinh đô nhà Đường) đề nghị liên hôn. Nhưng các sứ giả Thổ Phồn đã bị các quan chức của triều đình nhà Đường giam giữ tại Tùng Châu, do đó đã dẫn đến một trận giao tranh ở đây giữa người Thổ Phồn và nhà Đường. Sau khi quân Đường thắng trận, Hoàng đế Thái Tông (Taizong) – Lý Thế Dân (Li Shimin) đã gả Công chúa Văn Thành (Wencheng) cho Tùng Tán Cán Bố để thể hiện thiện ý và thành lập liên minh với Vương quốc Thổ Phồn.
Tùng Phan là một đồn quân sự quan trọng, đồng thời là trung tâm kinh tế và thương mại để trao đổi ngựa và trà giữa Tứ Xuyên, Cam Túc, Thanh Hải và Tây Tạng. Năm 1935, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, Quân đội Cộng sản Trung Quốc đang rút lui đã hành quân qua cao nguyên Tùng Phan để tiến đến tỉnh phía tây bắc. Cũng như lịch sử và phong cảnh thiên nhiên, sự đa dạng về văn hóa của Tùng Phan là một trong những điều hấp dẫn nhất của vùng đất này.
Do vị trí địa lý đặc biệt mà hiện tại có bốn nhóm dân tộc đang cư trú tại Phố cổ Tùng Phan bao gồm người Tây Tạng, Khương (Qiang), Hồi (Hồi giáo) và Hán (Quan Thoại). Điều này góp phần tạo nên phong cách văn hóa độc đáo của thị trấn cổ kính này; Văn hóa Kangba, văn hóa được tạo nên từ sự pha trộn các yếu tố văn hóa của bốn nền văn hóa khác nhau. Văn hóa Kangba là một ví dụ hiếm hoi nếu không muốn nói là duy nhất về lịch sử văn hóa ở Trung Quốc.
Đi dọc các con đường trong Phố cổ Tùng Phan, du khách sẽ bắt gặp một số đồ vật và đồ trang trí tinh xảo được bày bán trong các cửa hàng đồ cũ như vòng tay bạc, nhẫn bạc, trang phục dân tộc và lược sừng. Ngoài ra, du khách còn có thể thưởng thức các món ăn lạ và không kém phần hấp dẫn là vịt đực om đông trùng hạ thảo, gà rán, khoai mỡ giòn, thịt bò Tây Tạng sấy khô và nước khoáng Cửu Trại.
Nếu du khách đến Phố cổ Tùng Phan vào ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch sẽ trùng với hội chợ chùa Trát Như (Zharu Temple) của địa phương. Bên cạnh đó Hội chợ Mã Tử (Mazi) được tổ chức vào tháng 5 hàng năm tại đây cũng là buổi lễ tôn giáo lớn đáng lưu ý.
Các điểm tham quan hấp dẫn khác ở Tùng Phan
Di tích Chiến trường xưa
Từ thời cổ đại, Tùng Phan luôn là một thị trấn ở khu vực biên giới có tầm quan trọng lớn về mặt quân sự. Ngày nay, du khách dễ dàng tham quan những di tích còn sót lại, nhắc nhớ về lịch sử chiến tranh của nơi đây như những con đèo, nơi đóng quân của người lính, tháp đèn hiệu và các chiến trường cổ xưa khác dọc theo thung lũng sông Mân Giang (Minjiang) và thung lũng sông Phú Giang (Fujiang).
Thảo nguyên
Đi về phía tây ra khỏi Chùa Xuyên Chủ (Chuanzhu) đến Gainitai, du khách đang đi vào thảo nguyên. Nơi đây là đồng cỏ rộng lớn, có bãi chăn thả và chăn nuôi rất phát triển, tạo thành một khu vực du mục thảo nguyên tây bắc Tứ Xuyên độc đáo. Thảo nguyên này thuộc Amdo, là một trong ba khu vực truyền thống của Tây Tạng. Tới đây, du khách sẽ được cảm nhận rõ về văn hóa Phật giáo Tây Tạng với nhiều ngôi đền lớn nhỏ trang nghiêm và huyền bí cùng với nhiều tín đồ Phật giáo chân chính.
Ngoài ra du khách có thể tham quan cây cầu cổ Thông Nguyên (Tongyuan), Chuông Chùa Đại Từ Bi, Chùa Xuyên Chủ, Công viên Tưởng niệm Hồng quân Trường Chinh,…